TN - Đất & Người

Về Đak Glei nếm muối sao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Muối chấm là yếu tố quan trọng trong việc góp phần tăng thêm hương vị của món ăn. Mỗi vùng miền có một cách làm muối chấm phù hợp với khẩu vị địa phương. Riêng đối với người Tây Nguyên, muối chấm thường được bà con dân tộc thiểu số giã kèm với những loại rau, quả rừng tạo hương vị riêng biệt. Và khi đến huyện Đak Glei (tỉnh Kon Tum), nếu một lần được thưởng thức muối sao (loại muối giã chung với quả sao chua), du khách sẽ chẳng thể nào quên.

Cây sao thuộc loại thân bụi, sống gần nước, mọc nhiều ở rừng Tây Nguyên. Quả sao nhỏ như hạt tiêu rừng, quả non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu cam đất, quả mọc thành từng chùm nên dễ thu hái. Người dân tộc Giẻ Triêng ở huyện Đak Glei thường thu hái quả sao vào tháng 2, tháng 3 rồi về phơi khô dùng dần. Vì hạt rất cứng, không thể giã nát nên bà con thường giã dập quả rồi lọc bỏ hạt, phần thịt dùng thay thế quả chanh.

 

Người dân phơi quả sao để dùng dần. Ảnh: T.T
Người dân phơi quả sao để dùng dần. Ảnh: T.T

Muối sao được chế biến với các thành phần: muối hạt, bột ngọt, ớt tươi, tiêu rừng, quả sao, sả Lào. Tất cả bỏ vào cối giã nhỏ. Công thức đơn giản thế nhưng để cho ra thành phẩm vừa miệng là cả một vấn đề. Cái khó ở chỗ phải biết gia giảm các thành phần gia vị vừa phải để muối không bị chát, không quá cay hay quá mặn; sau khi giã có thể hong khô để có thể bảo quản được lâu. Muối sao có màu sắc rất hài hòa, ngon mắt khi hòa quyện giữa màu trắng của muối với màu đen của tiêu rừng, màu xanh của sả Lào, màu cam của thịt quả sao, đặc biệt mùi thơm rất kích thích vị giác. Loại muối này có thể dùng để chấm thịt nướng hoặc trái cây.

Anh Y Thể-dân tộc Giẻ Triêng (xã Đak Môn, huyện Đak Glei) chia sẻ: “Thức ăn có thể thiếu nhưng muối chua là món không thể không có trong bữa cơm hay hội làng. Ở đây gia đình nào cũng trữ quả sao để làm muối ăn dần”. Còn anh A Lê Quế (xã Đak Pét, huyện Đak Glei) cho biết: “Những ngày có khách đến nhà, tôi thường đãi món thịt treo giàn bếp chấm với muối sao. Ai đến Đak Glei và được một lần thưởng thức cũng đều hỏi bí quyết làm thức chấm này. Dù đã hướng dẫn tỉ mỉ, nhưng khi về làm thì lại không được ngon như ở Đak Glei”.   

Từng có thời gian gần 20 năm sống tại Đak Glei, anh Hồ Việt (huyện Đak Hà) cho hay anh đã bị “nghiện” món muối sao. Với anh, muối sao chấm với thịt gác bếp là đặc sản vùng cao Đak Glei. Chuyển về huyện Đak Hà sinh sống nhưng vẫn quyến luyến những hương vị cũ, anh quyết định chế biến món thịt gác bếp truyền thống và muối sao để bán. Thịt gác bếp tương đối dễ làm và cũng là đặc sản của nhiều vùng, nhưng khi ăn với muối sao thì lại làm nên hương vị riêng có của vùng đất Kon Tum. Anh Hồ Việt chia sẻ: Không chua như chanh, quả sao khi giã với muối và một số gia vị khác sẽ cho cảm giác tê đầu lưỡi bởi vị nồng của tiêu rừng, chua của quả sao và thơm mùi sả Lào, khi chấm với thịt thì rất đậm đà, tăng vị ngon của thịt.

Về Đak Glei vào mùa mưa, du khách có thể ở nhờ nhà dân, ngồi quây quần sưởi ấm bên bếp than hồng, quanh ghè rượu cần sóng sánh. Miếng thịt gác bếp càng thêm đậm đà bởi vị muối sao nồng lên cánh mũi. Không chỉ lưu luyến với Tây Nguyên bởi tình người, cảnh vật, du khách sẽ bị chinh phục bởi ẩm thực nơi đây.

Thuận Thiên

Có thể bạn quan tâm