TN - Đất & Người

Về Km 0 đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với chiều dài 2.436 km xuyên Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh có 544 km (từ Km 1402 đến Km 1946) vắt vào khu vực Tây Nguyên, tạo nên tuyến giao thông “xương sống” toàn khu vực. Tuy nhiên, lâu nay từ khu vực này ra Bắc, mọi phương tiện sau khi qua Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, đến thị trấn Thạnh Mỹ (tỉnh Quảng Nam) thì đều rẽ sang quốc lộ 14B ra Đà Nẵng để theo quốc lộ 1A đi tiếp. Chưa thấy tuyến vận tải nào chạy suốt tuyến từ Km 0 ở Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Km 2436 nơi đất mũi Cà Mau.
Dĩ nhiên, để tham quan Di tích lịch sử Pác Bó, mọi người cũng đã đến điểm đặt Km 0 của đường Hồ Chí Minh, nhưng thường là từ những tuyến giao thông thông dụng khác chứ ít ai đi liền một mạch theo kiểu chạy suốt, trừ những “phượt thủ” mang tính mạo hiểm, khám phá. Tuy nhiên, chúng tôi vừa có chuyến về Km 0 đường Hồ Chí Minh bằng ô tô trên chính tuyến đường này.
Suốt khu vực Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh luôn xuyên nối các đô thị và khu vực đông dân cư qua 4 tỉnh kể trên, khiến du khách ít có cảm giác đang đi trên cung đường miền núi. Chỉ khi đường đi sâu vào khu vực quần sơn Ngọc Linh hùng vĩ (Bắc Kon Tum-Nam Quảng Nam) mới thật sự cho khách lữ hành cái cảm giác ấy.
 Một đoàn du khách chụp ảnh lưu niệm tại cột Km 0 đường Hồ Chí Minh. Ảnh: internet
Một đoàn du khách chụp ảnh lưu niệm tại cột Km 0 đường Hồ Chí Minh. Ảnh: internet
Như đã nói, đến thị trấn Thạnh Mỹ, chúng tôi không rẽ theo lối quốc lộ 14B, mà tiếp tục tuyến đường Hồ Chí Minh thẳng huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), vòng sang Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế), sang Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… Nhìn chung, đoạn dọc miền Trung này cơ bản là vùng núi đất thuộc dãy Trường Sơn vốn đã khá quen mắt, nhưng cũng đầy thú vị với bao cảnh sắc ngoạn mục ven đường, khó tả hết; có nơi đẹp theo cách hoang sơ tiêu sái, có nơi đẹp hùng vĩ góc cạnh, có chỗ như chốn tiên cảnh nên thơ… Đường tốt, xe chạy êm ru, khung cảnh thanh bình, ít phải len lách dừng chờ như đi trên quốc lộ 1A. Dọc đường cũng bắt gặp một số đoạn đang được nâng cấp thành cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đoạn cuối cuộc hành trình, cung đường vào sâu miền trung du và núi rừng Việt Bắc với trùng điệp quần thể núi đá vôi biến hóa khôn lường hút hồn khách phương xa khi ngang qua Vườn quốc gia Cúc Phương, men mạn Đông tỉnh Hòa Bình (tiếp giáp với mạn Tây Hà Nội). Rồi vượt sông Hồng, đường sang Phú Thọ, Tuyên Quang. Đến cầu Bình Ca bắc qua sông Lô, tự dưng có ai đó lẩm nhẩm những câu thơ trong bài “Ta đi tới” của Tố Hữu: “Nắng chói sông Lô/Hò ơ tiếng hát/Chuyến phà rào rạt/Bến nước Bình Ca/Ai đi Phú Thọ/Ai qua Trung Hà…”. Vâng, ta đang đi tới! Vượt đèo Muồng, về Chợ Chu-Thái Nguyên, rồi Chợ Mới-Bắc Kạn, sang Cao Bằng. Từ TP. Cao Bằng, đường băng chừng 60 km nữa thì đến Pác Pó, nơi đóng cột Km 0 cạnh đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ai đã từng đến nơi tận cùng đất mũi Cà Mau, từng bồi hồi xúc động khi tận mắt ngắm nhìn chiếc trụ cao nghều nghệu khắc đậm dòng chữ: “Đường Hồ Chí Minh-Điểm cuối Cà Mau-Km 2436” thì cũng sẽ không khỏi bồi hồi xúc động trước chiếc trụ dựng nơi đây với dòng chữ khắc: “Đường Hồ Chí Minh-Điểm đầu Cao Bằng-Km 0”. Nếu cột cây số Km 2436 đứng chênh vênh bên mép biển mênh mang trời nước sóng xô thì cột cây số Km 0 đứng chênh vênh bên triền núi non điệp trùng hùng vĩ, cả 2 nơi cảnh sắc đều hữu tình.
Cạnh cột Km 0, bến xe điện đưa du khách vào viếng cảnh Pác Bó. Thả bộ dọc suối Lênin mát trong đang ôm vòng chân núi Các Mác ngui ngút thẳm xanh, vào hang Cốc Bó, có người thắc mắc: Sao địa danh là Pác Bó mà cái hang đá nơi đầu nguồn thì lại là Cốc Bó?, được giải thích: “Pác Bó” là tên một làng cổ người Tày bên dòng suối cùng tên; còn nơi đầu nguồn phát nguyên ra dòng suối thì gọi là “Cốc Bó”, trong đó “Cốc” có nghĩa là nơi bắt đầu, nơi khởi thủy. À, ra thế! Đến Pác Bó, không ai không nhẩm nhớ mấy vần thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khi ẩn mình tại đây để chỉ đạo công cuộc kháng chiến: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Bài thơ ấy được khắc dựng tại đầu suối, nơi có chiếc “bàn đá” chông chênh giữa bãi đá cuội ven bờ. Một vài người trong đoàn còn nhắc đến những dòng thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ta đến Nha Trang ngắm trời bể rộng/Có đâu hay hang Pác Bó gió lùa/Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép/Tấm áo chàm Bác mặc quá đơn sơ...”.
Hang Cốc Pó vẫn thâm u trầm tịch nơi lưng chừng vách núi. Ngọn núi cao (nay có tên Các Mác) vẫn cao ngất thẳm xanh. Suối Pác Bó (nay tên là suối Lênin) vẫn trong xanh róc rách đêm ngày. Nơi đầu nguồn suối, chiếc “bàn đá” vẫn trong thế chông chênh trơ gan cùng tuế nguyệt… Tất cả phô ra một cảnh đẹp hoang sơ của thiên nhiên thanh vắng và gợi nhớ một thời đất nước trầm luân…
Trở lại cột Km 0 đường Hồ Chí Minh. Đứng dưới chân cột Km 0, thả hồn tưởng tượng: Từ đây xuôi về khu vực Tây Nguyên thân yêu-nói quy tròn để dễ nhớ thì khoảng 1.730 km là đến trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum, khoảng 1.780 km là đến trung tâm tỉnh lỵ Gia Lai, khoảng 2.010 km là đến trung tâm tỉnh lỵ Đak Lak, khoảng 2.130 km là đến trung tâm tỉnh lỵ Đak Nông…
Với tâm thức công dân hướng về những miền biên viễn địa đầu đất nước, người Tây Nguyên cũng có thể thốt lên: Đất Mũi không xa, Pác Bó không xa!
 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm