Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, về Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), bạn sẽ được đắm mình trong huyền tích về các đời Vua Lửa (Pơtao Apuih).
Làng Vua Lửa
Xuôi đèo Chư Sê theo quốc lộ 25 chừng 2 cây số là đã đặt chân đến Plei Ơi-làng của Vua Lửa. Làng ở phía Tây Bắc thung lũng Cheo Reo-vùng trồng lúa nước rộng lớn nhất Tây Nguyên. Cổng làng nằm sát quốc lộ 25 về phía bên trái. Nơi đây có chừng 180 nóc nhà với hơn 600 người Jrai sinh sống. Mới xong vụ gặt, cánh đồng phía trước mặt làng lô nhô gốc rạ, lúa vàng phơi đầy trước sân nhà sàn.
Đi sâu vào làng chừng 1 cây số là cộng đồng người Jrai thuần khiết còn lưu giữ 33 nóc nhà sàn truyền thống với nhiều tập quán văn hóa đặc sắc. Ông Rmah Thuyn-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, cũng là một người con Jrai của làng Vua Lửa-cho hay: Những gia đình này đều mang họ Siu, là họ hàng của nhiều đời Vua Lửa. “Sắp tới, cộng đồng Jrai này sẽ tổ chức du lịch homestay để phục vụ du khách”-Phó Chủ tịch UBND xã nói.
Năm 1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vài năm nay, chính quyền đã đầu tư từng bước để xây dựng quần thể di tích. Đặc biệt, nơi đây có một căn nhà dài để trưng bày các đồ vật, cồng chiêng, trống của người Jrai; thêm một căn nhà sàn nhỏ hơn sát bên làm nhà cúng tế các Vua Lửa và một nhà chòi để cất giữ thanh gươm thần tương truyền có quyền năng hô mưa gọi gió.
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa-di dời gươm thần về nhà mới. Ảnh: Đ.P |
Tổng thể Khu Di tích được xây dựng tựa lưng vào núi Ba Hòn vững chãi, phía trước là khoảnh sân bê tông rộng nhìn ra cánh đồng lúa xanh bát ngát. Mặc dù Siu Luynh-Vua Lửa đời thứ 14, cũng là vị Vua Lửa cuối cùng-đã mất năm 1999, nhưng huyền tích về các vị Vua Lửa vẫn còn hiện hữu ở vùng đất Hỏa Xá. Và vị phụ tá của Vua Lửa Siu Luynh là ông Rơ Lan Hieo hiện vẫn sống ở Plei Ơi để gánh vác nhiệm vụ thực thi nghi lễ cúng cầu mưa của “Yang Pơtao Apuih”-một nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thế thân của Vua Lửa
Ông Rơ Lan Hieo năm nay ngoài 60 tuổi, người thấp nhỏ, da ngăm đen, tóc muối tiêu. Dù chưa trải qua nghi lễ phong vương nhưng với cộng đồng Jrai ở Plei Ơi, Rơ Lan Hieo đã là thế thân của Vua Lửa. Căn nhà sàn ông ở lâu nay chỉ có người già sau khi làm lễ cúng mới dám lên, còn đàn bà con gái và trẻ nhỏ đều phải tránh xa. Nhất là phụ nữ có thai thì phải úp nón che trước bụng, đi vòng tránh sang đường khác. “Nhà của Vua Lửa ngày xưa cũng vậy. Nếu ai lên nhà mà không được Vua làm phép, nhúng tay vào chậu nước để trên cầu thang rồi xoa lên người thì sau khi về, họ sẽ bị đau ốm liền”-ông Rơ Lan Hieo kể.
Nói rồi ông Rơ Lan Hieo đi về phía cuối căn nhà sàn nhỏ, lật giở chiếc rương gỗ cũ lôi ra bộ trang phục truyền thống của vị “quân vương” mà suốt 20 năm nay (kể từ ngày Vua Lửa cuối cùng Siu Luynh tạ thế năm 1999) ông đã mặc nó để thế thân Vua Lửa làm lễ cúng. Khoác trang phục vào, lúc này trông ông rất ra dáng một vị vua. Đó là một chiếc áo thổ cẩm có viền đỏ, trước ngực có hoa văn màu đỏ-trắng. Chiếc khố đi kèm có cùng chất liệu thổ cẩm và cũng có viền đỏ-trắng. Trên môi ông ngậm một chiếc tẩu thuốc được cho là đã truyền qua nhiều đời Vua Lửa. Vừa đơm thuốc vào tẩu, ông vừa kể: “Thường chỉ khi có việc như hội làng, tế lễ cầu mưa hoặc những sự kiện trọng đại thì Vua Lửa mới ăn vận như vậy”.
Từ nhỏ khi thấy đoàn người rồng rắn gánh heo, ghè rượu đi qua làng để cầu xin Vua Lửa ra tay cứu giúp thoát khỏi hạn hán, cậu bé Rơ Lan Hieo đều chạy ra xem. Sau này lớn lên, Rơ Lan Hieo vô tình lọt vào “mắt thần” của Vua Lửa Siu Luynh, được lựa chọn làm phụ tá rồi dọn về ở cùng nhà để phụ Vua làm lễ cúng. Mà huyền diệu thay cứ mỗi lần Vua Lửa thực hiện lễ cúng vừa dứt thì mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước, giải cơn khát để dân làng được mùa màng tốt tươi. Nếu mưa to quá, sấm sét dữ dội quá thì Vua Lửa lại cúng xin cho ngớt mưa để không gây ngập úng, lũ lụt...
Tiếng tăm Vua Lửa bay xa, người ở khắp mạn Mang Yang, Krông Pa, Buôn Hồ, rồi tận Campuchia, Lào cũng tìm đến mời Vua Lửa về cúng. Thời kỳ đó, mỗi khi đi đâu, Vua Lửa thường cưỡi voi, xung quanh có hàng tá người hầu cận cùng bê tráp…
Bùng cháy và lụi tàn
Theo tài liệu của TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong 14 đời Vua Lửa, người được nhắc đến nhiều nhất về quyền năng hô mưa gọi gió là vị Vua đời thứ 6-Siu Nhong. Khi được cử thay cho vị Vua thứ 5, Siu Nhong đã từ chối. Ông nói: “Tôi cơm canh, lúa gạo không đủ ăn, tôi phải ăn cả con ếch, con nhái nên không giữ gươm thần được đâu”. Nhưng người Jrai nơi đây không đồng ý, họ kiên trì vận động suốt 7 ngày 7 đêm: “Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm thì cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi”. Và cuối cùng họ ra một điều kiện: “Bây giờ trời nắng to, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng tế lễ và cử ông làm Vua”. Kỳ lạ thay, khi Siu Nhong đánh 7 lần vào nước thì 7 ngày 7 đêm sau đó mây đen ùn ùn kéo đến, trời đổ mưa như trút nước. Từ đó ông trở thànhVua.
Một vị Vua Lửa khác cũng làm rạng danh cho dòng tộc này là vị Vua đời thứ 11-Siu Ất. Vua Lửa Siu Ất lên ngôi đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng trong vùng để khuếch trương thanh thế. Khoảng cuối tháng 3-1904, viên quan cai trị Prosper Odendhal được Pháp quốc Viễn Đông học viện cử đi tìm di tích ở vùng Cheo Reo, đồng thời bắt liên lạc với Vua Lửa. Odendhal một mực đòi xem gươm thần khiến người dân vô cùng tức giận. Trong buổi tiếp kiến tại nhà một già làng tên San, Odendhal đã bị dân làng giết chết. Liền đó, dân làng đem thanh gươm thần cùng những báu vật cất giấu sâu vào rừng.
Từ sự việc này, Pháp đã cho lính từ Tuy Hòa lên tàn phá các làng. Siu Ất lùi về vùng rừng già Ayun trú ẩn và củng cố lực lượng. Tháng 1-1905, một đại đội lính khố xanh khác do tên Ranard chỉ huy từ Chợ Đồn (An Khê) kéo lên càn quét vùng Cheo Reo nhưng bị Siu Ất cùng dân làng đánh bại. Nhân đà đó, Vua Lửa kêu gọi các tù trưởng khác khởi nghĩa và phong trào chống Pháp lan tỏa nhanh chóng.
Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh-cũng là vị vua cuối cùng-có cuộc sống khá chật vật. Gia tài quý nhất là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ tương truyền do các đời Vua Lửa trước để lại. Nhiều người kể lại rằng, thậm chí ông đã phải kiếm cơm bằng cách nếu ai muốn chụp hình ông thì phải… trả tiền. Ông tạ thế năm 1999. Bởi không có người nối ngôi nên ông Rơ Lan Hieo vốn là người theo ông làm phụ tế đã “phải” đảm đương công việc cúng cầu mưa cho dân làng. Sau khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ khánh thành, quanh năm tưới mát cho ruộng đồng, vai trò cúng tế cầu mưa của Vua Lửa cũng phai nhạt dần.
Năm 2009, chính quyền cho xây dựng Khu Di tích lịch sử Plei Ơi. Khi ấy, ông Rơ Lan Hieo đã làm lễ di dời gươm thần từ núi Chư Tao Yang về cất giữ ở trong ngôi nhà mới trong Khu Di tích. Hàng năm, cứ đến dịp lễ 30-4, 1-5, chính quyền địa phương lại cùng với dân làng tổ chức lễ cúng cầu mưa-một nghi thức kết nối con người với thần linh thuở đất trời còn hỗn mang, huyền bí.
ĐỨC PHƯƠNG