Du lịch

Về Stơr thưởng thức cá đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) gắn liền với tên tuổi của Anh hùng Núp. Trải qua bao biến đổi nhưng những nét văn hóa đặc sắc vẫn được người Bahnar gìn giữ cho tới ngày nay. Đặc biệt, mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, dân làng lại hân hoan, rộn ràng chuẩn bị món đặc sản cá đá để đãi khách quý.
Ngược suối bắt cá đá
Như đã hẹn, chúng tôi theo chân vợ chồng anh Giang Pơ Đam-Bí thư Chi Đoàn làng Stơr cùng anh Đinh Thân, Đinh A Nhơr lội suối Tơ Tung bắt cá đá. Dụng cụ bắt cá đá gồm: lưới có mắt nhỏ, một cái xdrõu (cái vợt) và một cái giỏ để đựng cá. Trên đường đi, anh Đam cho hay: “Suối Tơ Tung dài chừng 20 km, nước trong vắt, có nhiều bãi đá bị dòng nước bào mòn, trải dài rất đẹp. Vào dịp lễ, Tết, người dân trong huyện thường lên đây vui chơi, ăn uống”.
Sau khoảng 30 phút đi bộ, anh Đam báo hiệu đã đến nơi thả lưới. Dòng suối chảy len qua những ghềnh đá, tạo thành những vực sâu. Nhóm anh Đam lội xuống nước, vừa bơi vừa thả lưới. Khoảng 45 phút, thu lưới rồi chuyển sang đoạn suối khác. Còn chị Đinh Thị Chan (vợ anh Đam) thì đến những chỗ nước cạn, lật từng hòn đá để bắt những con cá bám vào đá.
 Vợ chồng anh Giang Pơ Đam bắt cá đá ở suối Tơ Tung. Ảnh: Phan Lài
Vợ chồng anh Giang Pơ Đam bắt cá đá ở suối Tơ Tung. Ảnh: Phan Lài
Sau hơn 3 giờ lội suối thả lưới, nhóm anh Đam trở về bờ với giỏ cá đá vài chục con, cùng với vô số cá bống đá, cua và một số loại cá khác. Những con cá đá to nhất dài chừng 2 ngón tay người lớn, bụng hơi trắng, đầu tròn, thịt nhiều. Mở giỏ cá vừa bắt được cho chúng tôi xem, anh Đam cho biết: “Trước đây, cá đá ở suối này rất nhiều, đi vài giờ là có một giỏ cá đầy để vừa ăn vừa bán. Nhưng giờ đây, cá đá trở thành đặc sản, nhiều người đánh bắt nên ngày càng ít dần. Khi thả lưới, mình chỉ bắt những con cá đá trưởng thành còn thả cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh sôi”.
Ngồi ở bãi đá nghỉ ngơi sau một buổi lội suối, anh Đinh Thân kể: “Cá đá chỉ ăn rong rêu, bơi ở những chỗ nước chảy xiết nên thịt rất chắc, thơm ngon, béo ngọt, xương rất mềm. Loài cá này chỉ phát triển trong tự nhiên, không thể nuôi được. Cá đá ngày càng ít, muốn bắt được cá phải đi xa lên tới thượng nguồn”.
Món ngon đãi khách quý
Sau khi bắt được ít cá đá, chúng tôi trở về nhà anh Đam để chuẩn bị bữa cơm trưa. Ngoài những người cùng đi thả lưới, anh Đam còn mời già làng Đinh Mêh, Đinh Grêng và Bí thư Chi bộ Đinh Rơi đến ăn cơm. Không khí trong căn nhà sàn nhỏ trở nên rôm rả hơn bởi câu chuyện đi bắt cá đá và của người dân trong làng.
Cá đá có thể nấu với lá tdip (một loại lá có vị chua), nướng chấm muối lá é… Bữa cơm hôm đó, chị Chan đãi khách món cá đá nấu với lá tdip rừng hái trên đường từ suối về. Cá đá khi chế biến để nguyên con, không làm ruột; nước sôi bỏ cá vào, đợi cá chín rồi cho lá tdip vào và nêm gia vị. Vậy là có một nồi canh cá đậm đà, thơm ngon.
Dịp Tết Nguyên đán, già làng, người có uy tín trong làng Stơr đều đến dâng hương, báo công và tìm hiểu về cuộc đời đi theo cách mạng của bok Núp. Ảnh: Thủy Bình
Dịp Tết Nguyên đán, dân làng Stơr đến dâng hương, báo công và tìm hiểu về cuộc đời đi theo cách mạng của bok Núp. Ảnh: Phan Lài
Già làng Đinh Mêh kể: Ngày trước, cá đá nhiều. Bà con bắt về để ăn và bán. Giờ cá đá ít đi, bà con thường phơi khô để ngày Tết đãi khách. Trước Tết khoảng 1 tháng, bà con thường đi bắt cá đá, ếch suối, chuột rừng… rồi treo trên giàn bếp. Nhờ hơi lửa và khói bếp, thịt khô lại và có mùi thơm rất đặc trưng. Vào ngày Tết, những món khô này được nấu với lá mì, cà đắng. Hương vị Tết đều từ những thứ bắt ở suối, trồng trên rừng, trên rẫy đơn giản nhưng là tấm lòng của bà con Bahnar cầu mong mọi điều tốt đẹp cho năm mới.
Ông Đinh Rơi-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Stơr-cho biết: “Vì cá đá ngày càng ít nên bà con thường để dành, chỉ đem ra thết đãi khách vào dịp Tết. Năm trước, có khách ở TP. Pleiku xuống làng chơi, mình thết món cá đá, họ không ngớt lời khen ngợi vì vị ngon, ngọt rất đặc trưng. Mới đây, họ gọi điện nhờ mình tìm mua cá với giá cao nhưng không có. Các nhà hàng cũng liên hệ đặt mua với giá 200.000 đồng/kg mà không có để bán”.
Ông Hoàng Văn Luân-Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-chia sẻ: Dân làng Stơr vẫn còn gìn giữ những nét đẹp truyền thống. Trong những ngày Tết, người Bahnar luôn mở rộng cửa đón khách, bà con cùng uống rượu cần, thưởng thức những món ăn đặc sản đã chuẩn bị trước đó. Sau đó, bà con tập trung về khu vực nhà rông để xem thanh niên đánh bóng chuyền. Vào mùng 4 Tết, làng Stơr rộn ràng tiếng cồng chiêng tham gia Ngày hội Xuân do xã Tơ Tung tổ chức.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm