TN - Đất & Người

Về Tây Nguyên xem cúng sức khỏe cho… voi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hàng năm, vào cuối mùa mưa ở Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc bản địa lại bắt đầu vào mùa lễ hội. Hầu hết các dân tộc anh em cư trú trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ này đều có lễ hội riêng của mình. Người Ê Đê mừng lúa mới, cúng bến nước; người Bahnar có lễ Samơk (mừng lúa mới); người Mnông lại tưng bừng tổ chức lễ cúng sức khỏe cho bầy voi nhà.

Mục đích của lễ cúng là cầu mong trời đất, thần linh ban sức khỏe cho bầy voi nhà để chúng luôn nhanh nhẹn, không biết đến ốm đau.

 

Sau khi được cúng sức khỏe, bầy voi lại chở khách dạo chơi bên hồ Lak. Ảnh: Y.T.N
Sau khi được cúng sức khỏe, bầy voi lại chở khách dạo chơi bên hồ Lak. Ảnh: Y.T.N

Từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), chúng tôi theo quốc lộ 27 về huyện Lak, nơi còn có bầy voi nhà khá đông để dự lễ cúng voi. Dưới chân dãy Chư Yang Sin vời vợi, hồ Lak lặng lẽ soi bóng mây trời. Được ví như hòn ngọc của Đak Lak, hàng năm, đây là nơi thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ mát. Công lớn trong việc này thuộc về bầy voi nhà đang phục vụ du lịch ở đây.

Với người Mnông sinh sống bên hồ Lak, voi là tài sản quý giá của gia đình. Hiện bầy voi ở đây cũng chỉ còn lại vài chục con để phục vụ du lịch. Anh Đàng Năng Long, một người may mắn sở hữu 9 con voi, cho biết: Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú ý hơn.

Lễ cúng voi được tổ chức ngay trước ngôi nhà sàn cạnh hồ Lak trong xanh. Họ cúng Yàng bằng những vật phẩm quen thuộc ngàn đời nay: một ché rượu cần thật ngon, một đầu heo, một gùi bắp tươi, hoa tươi, bộ lòng heo, 2 buồng chuối, một ít gạo và cá khô với một đống thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho các ông tượng.

Khi các thớt voi đã tề tựu đông đủ nghiêm trang trước bàn thờ, chủ nhà bắt đầu bài cúng: “Hỡi các Yàng của người Mnông, Yàng núi, Yàng rừng, Yàng của loài voi… Hôm nay, làm lễ cúng sức khỏe cho voi, mời các Yàng về chứng kiến và giúp đỡ…”. Bài cúng vừa dứt, 9 chú voi xếp hàng ngang đồng loạt quỳ xuống vừa để cảm ơn, vừa để đón nhận từ bàn tay thận trọng của ông chủ nào muối, nào gạo xoa lên vòi, lên tai, lên đầu để có sức khỏe như rừng, như núi, đủ sức đạp bằng mọi đèo dốc, không bị ốm đau.

Nghi lễ thực hiện xong, ông chủ ôm từng bó mía ngọt thơm, từng nải chuối chín vàng đi phân phát cho từng thớt voi. Với chiếc vòi đồ sộ nhưng vô cùng khéo léo, mỗi chú voi đều nhận lấy phần thưởng và cho vào miệng một cách gọn gàng. Vui vẻ, phấn khởi nhưng dưới sự điều khiển của các quản tượng, không chú voi nào dám cướp giật lộn xộn.

9 thớt voi của Đàng Năng Long vẫn ngày ngày đều đặn phục vụ du lịch. Anh Long cho hay, bầy voi này được anh gom mua từ các hộ dân trong vùng. Có chú voi khi mua từ chủ cũ đang trong tình trạng ốm o, bệnh tật, nhưng khi về đây được nuôi dưỡng tốt, làm việc nhẹ nhàng nên đã béo tốt trở lại. Không chỉ thực hiện đầy đủ các nghi lễ như cúng sức khỏe, cúng tuổi cho voi, việc theo dõi bệnh tật và chữa chạy các vết thương cho voi cũng rất quan trọng. “Mình yêu voi, coi voi như người bạn thì mọi việc sẽ dễ dàng”-“vua voi” Đàng Năng Long đúc kết.

Chia tay với những chú voi thân thiện khi mùa xuân đang về giữa đại ngàn lồng lộng mây trời, lồng lộng gió, đi một đoạn đường khá xa giữa thị trấn Liên Sơn vẫn còn thấy hình bóng những ông tượng miệt mài đưa khách dạo chơi quanh hồ Lak. Bóng voi đổ dài giữa một vùng trời nước mênh mang.

Y Thiện Niê

Có thể bạn quan tâm