Du lịch

Hành trang lữ hành

Về thăm làng đẹp nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, đến bản Thái Hải hay còn gọi là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên), tôi mới có dịp hiểu hơn về cách làm du lịch bền vững của một trong những ngôi làng đẹp nhất thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới công nhận.

Bản Thái Hải cách trung tâm TP. Thái Nguyên khoảng 15 km. Sau khi đi ngang qua những thửa ruộng mới được cày lật úp chạm vào khoảng rừng mát xanh của đồi, chúng tôi bước chân đến bản.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản Thái Hải được lập ra với mục đích ban đầu để giữ gìn nhà sàn truyền thống. Trưởng bản là bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người dân tộc Tày. Đau xót vì người dân không còn lưu luyến với nhà sàn, ngôi nhà truyền thống, bà Hải đã mua những ngôi nhà từ vùng Định Hóa về dựng rồi mời bà con về định cư, sinh sống theo phương thức tự cung tự cấp nhằm bảo tồn văn hóa. 12 năm sau (năm 2014), bản mới bắt đầu làm du lịch.

Và từ đó đến nay, nơi này đã trở thành điểm du lịch đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, năm 2022, Tổ chức Du lịch thế giới đã công nhận Thái Hải là ngôi làng du lịch đẹp nhất thế giới (Best Tourism Villages).

Giếng bản Thái Hải được quây nứa xung quanh để ngăn trẻ em, gia súc, gia cầm đi lạc. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp

Giếng bản Thái Hải được quây nứa xung quanh để ngăn trẻ em, gia súc, gia cầm đi lạc. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp

Chị Hà Thị Hằng-Hướng dẫn viên duyên dáng trong trang phục truyền thống đưa chúng tôi đi một vòng quanh bản. Dưới hàng vầu, hóp và thấp thoáng hoa chuối đỏ tươi, chúng tôi vừa đi vừa nghe vi vút gió thổi. Điểm dừng chân đầu tiên là giếng làng. Dưới bầu trời trong xanh, những chú cá bơi tung tăng. Giếng được quây nứa xung quanh để tránh trẻ em, gia súc, gia cầm đi lạc.

Theo phong tục, người đi xa về thì đến giếng rửa mặt, rửa tay chân để xua tà độc, thanh tẩy cơ thể. Bên giếng có am thờ thần giếng theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Ngày Tết, bà con sẽ ra giếng để làm lễ rước nước về nhà trong những ống bương mong năm mới no đủ cho ngôi nhà và bản làng.

Khi có người về bản, mọi người sẽ gõ mõ báo tin. Tôi đến nhìn ngắm cái mõ. Đó là một cây gỗ rừng một người ôm được khoét rỗng, phía trong vạc những nếp rìu không đều để thanh âm của núi rừng vang xa đến các nếp nhà báo hiệu chuẩn bị đón khách quý.

Những đồ dùng ở đây đều được dán miếng giấy đỏ hình chữ nhật, cắt đi phía đuôi, để đánh dấu chủ quyền và 2 miếng tam giác tượng trưng là đuôi chim én-biểu tượng của sự may mắn. Bên cạnh là chiếc cối giã gạo bằng sức nước có cả chiếc giần, sàng lủng lỗ chỗ nằm một góc. Tiếng nước chảy róc rách từ phía hồ để cối gạo giã lên giã xuống. Phía dưới đường đi là những vạt rau xanh mơn mởn.

Đi qua nhà Cầu là những bụi hoa đào ươm nụ, đang được chăm chút để đón Tết. Nhà Cầu được bà con tết bằng những quả cầu ngũ sắc tượng trưng cho trời, có 3 gian tương ứng cho 3 mường: mường trời, mường đất, mường người.

Hết nhà Cầu là đến nhà Còn, tượng trưng cho đất, được trang trí bằng những quả còn và dải thổ cẩm sặc sỡ ngũ sắc của ngũ hành. Ở đây còn có bằng ghi nhận của Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng cho bản Thái Hải được treo trang trọng dưới dải thổ cẩm đỏ óng ánh.

Những nếp nhà sàn nằm yên bình dưới khóm vầu già, vầu phủ xanh không gian sống, làm hàng rào, là nguyên liệu của những nếp nhà sàn cũ. Chị Hằng đưa chúng tôi lên ngôi nhà sàn đậm mùi khói bếp. Khói làm ấm ngôi nhà, xua côn trùng và xông cho ngôi nhà khỏi mối mọt. Trên các mái lá, nếu thường xuyên chăm sóc, quét lá rừng cho mái, mái lá cọ có thể che chở cho ngôi nhà đến gần 30 năm.

Đời sống gắn với rừng và cây cối, cây cọ lợp nhà, che mưa, nón lá cọ che nắng. Thấm nhuần những hiểu biết về giống loài và tự nhiên, tri ân những gì mà thiên nhiên ban tặng, họ chỉ chặt những cây rừng đến tuổi.

Họ để những cót thóc, rau củ bên ngoài, có thúng nhỏ bên dưới để các con vật có thể đến kiếm ăn vào những ngày đông lạnh giá. Có như thế chúng mới không vào nhà cắn phá đồ đạc. Rau củ ăn không hết bà con đem trao đổi và bón lại cho đất những phần dư thừa làm tốt đất, xanh cây.

Một góc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Ảnh: T.N.Đ

Một góc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Ảnh: T.N.Đ

Bước lên cầu thang, chị Hằng dặn: Con gái không được ngồi lên cầu thang nhé, đó là điều kiêng kỵ của người Tày. Trên nhà sàn, những chùm nếp, bắp, chuối treo lúc lỉu, có con chim nhỏ bay lích chích nhảy nhót quanh buồng chuối chín vàng. Từng bếp, từng nhà sẽ có nghề riêng.

Nhà Ké Hảo có một mẹt bánh, bánh khảo, bánh chè lam được gói giấy xanh đỏ để du khách làm quà. Nhà Ké Liên chuyên làm thuốc Nam để chữa bệnh cho người dân trong bản. Những tên lá, tên thuốc gắn với các bộ phận của con người, từ cây lá phổi, cây lá gan rồi thuốc ngâm rượu chữa sâu răng…

Bên ánh lửa nhà sàn bập bùng, Ké Đặng cời cây củi cái để ấm nước réo ùng ục. Ké rót chén rượu được chưng và cất trong chum phía góc nhà. Ké cùng với chị Hằng cầm đàn tính hát cho tôi nghe bài hát then “Thái Hải yêu thương”.

Người đến làng là khách, hữu duyên nên trở thành anh em, đã về đây là thành con cháu của làng, cùng uống hết chén rượu và hát bài then, biết ơn tất cả mọi người. Tôi cũng vào lời hát trong bập bùng ánh lửa và chếnh choáng chén rượu thơm lừng.

Sau 1 ngày trải nghiệm ở bản Thái Hải, tôi không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ về cách làm du lịch của người dân nơi đây. Sau đại dịch Covid-19, người dân quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần, quan tâm đến lối sống tôn trọng bảo vệ tự nhiên, bảo tồn văn hóa và du lịch phải xuất phát từ những điều thuần chất và tự nhiên nhất.

Đời sống hàng ngày của người dân, của vùng đất được phục dựng theo truyền thống đã vô cùng hấp dẫn du khách. Và tôi nghĩ đến Gia Lai, vùng đất mà tôi hết mực yêu thương, gắn bó.

Gia Lai là vùng đất đẹp, có nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú. Nhưng dường như việc đầu tư để có một ngôi làng bảo tồn nguyên bản, chúng ta chưa làm được đầy đủ. Vậy đây phải chăng là một trong những mô hình mà chúng ta sẽ tham khảo, học hỏi để rút ra được bài học cho phát triển du lịch của tỉnh nhà. Dù tôi biết con đường thành công của Thái Hải đã trải qua không ít khó khăn và thời gian được tính là hàng chục năm mới gặt hái thành quả.

Cách đây gần 20 năm, khi đến với bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), tôi cũng nghĩ đến Gia Lai với mô hình đặc trưng. Và nay, khi đến với Thái Hải, tôi cũng nhớ đến Gia Lai như một chỉ dẫn địa lý được cài đặt sẵn.

Tôi mong sẽ có một mô hình trải nghiệm như vậy để đi đâu đó, ở đâu đó tôi sẽ luôn tự hào giới thiệu cùng du khách, nếu muốn hiểu về văn hóa của người Jrai, Bahnar, không cần đi đâu xa, mà chỉ cần đến núi đó, ngôi làng đó, du khách sẽ hiểu tất cả về những triết lý yêu thương, nơi mà cuộc sống của người dân sẽ làm nên một mảng màu du lịch khác biệt, có điểm nhấn.

Có thể bạn quan tâm