Kinh tế

Vì công trình thủy nông Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đến xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) vào những ngày đầu thực hiện di dân 2 làng: Khôih và H’Náp để xây dựng hồ chứa công trình thủy lợi Ia Mơr- công trình thủy nông lớn ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Không khí sôi động, khẩn trương từ động cơ xe máy, xe ô tô xuôi ngược trên đường làng và tiếng cười, nói xôn xao.
Gặp chị Rah Lan Hông- làng Khôih đang đứng trước đống đồ đạc ngổn ngang, tôi bắt chuyện: “Nhà chị dỡ sớm hay sao mà đã xong rồi?”. Chị tươi cười: “Nhờ bộ đội 710 đấy”. Gần đó, nhà chị Kpă Bit cũng được thanh niên trong làng giúp tháo dỡ gần xong. Nghe tôi hỏi “nhà còn tốt thế dỡ đi có tiếc không?”. Chị cười: “Tiếc chứ. Nhưng cán bộ bảo phải chuyển làng để làm công trình thủy lợi. Có công trình thủy lợi sẽ có nhiều nước tưới, kinh tế mới khá lên được nên mình làm theo thôi”.
Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung
Chủ tịch UBND xã Rah Lan Chim vừa từ làng H’Náp sang, giơ tay quệt mồ hôi (cùng đi có Trưởng thôn H’Náp Rơ Chăm Kel), tôi hỏi: “Bà con làng H’Náp chuyển làng buồn không?”. Không chút đắn đo, ông Rơ Chăm Kel trả lời: “Mới đầu cũng có đấy nhưng nghe giải thích rồi thì ai cũng hiểu phải hy sinh cái nhỏ vì cái lớn nên bà con chấp hành rất tốt”.
Chúng tôi đến khu tái định cư cách làng cũ khoảng 2 cây số. Đây là khu đất bằng phẳng, rộng 26 ha, đã được quy hoạch, phân lô, đã có những căn nhà tạm được dựng lên. Chiếc máy khoan đang chạy hết công suất. Đại úy Trương Anh Dũng- Trợ lý Chính trị Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) tay cầm sổ, đến từng lô để tìm vị trí cho xe tập kết nhà. Các chiến sĩ trẻ mặt mày lấm lem vừa làm, vừa chọc ghẹo nhau.
Đại úy Dũng cho biết: “Trung đoàn chịu trách nhiệm di dời 15 nhà, là các hộ thuộc diện chính sách. Trước khi di dời, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, già làng, trưởng thôn và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã tuyên truyền cho bà con nhận thức về chủ trương chung của chính quyền địa phương; đồng thời cử bộ phận kỹ thuật vào đo đạc đất nên bà con rất yên tâm. Cách làm của đơn vị là ra chỗ ở mới dựng nhà bạt để bà con ở tạm sau đó lắp ghép lại nhà tại địa điểm mới y hệt nhà cũ. Đơn vị nhận tiền đền bù mua tôn, đinh, còn lại nhân vật lực, phương tiện di chuyển Trung đoàn hỗ trợ hoàn toàn. Mỗi ngày, Trung đoàn huy động phương tiện và 40 công tháo dỡ, vận chuyển và dựng nhà tạm đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và thời gian quy định”.
Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Bùi Viết Hội cho biết thêm: Trong khu quy hoạch, đã bố trí từng làng và chia lô cho các hộ, mỗi hộ 1.000 m2, gồm 400 m2 đất ở và 600 m2 đất vườn; đồng thời sẽ xây cho mỗi hộ 1 căn nhà khoảng 40 m2, xây dựng 10 giếng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UNICEF để giải quyết nước ban đầu và khoan 2 giếng đưa nước lên bồn cung cấp nước sạch cho bà con và liên hệ với điện lực triển khai kế hoạch kéo điện về khu tái định cư. Toàn bộ nhà cũ của các hộ dựng phía sau làm nơi ở tạm, sau khi hoàn thành nhà xây sẽ chuyển sang làm bếp.
Một niềm động viên lớn đối với bà con là ngay trong những ngày đầu di dời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Đình Thu và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã có mặt trực tiếp chỉ đạo huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân ổn định cuộc sống ở khu tái định cư. Chính vì thế, bà con càng thêm tin tưởng, phấn khởi và quyết tâm góp sức vì sự nghiệp chung.
Công trình thủy lợi Ia Mơr có năng lực tưới 14.500 ha cây trồng các loại, gồm huyện Chư Prông (Gia Lai) 8.000 ha và huyện Ea Súp (Đak Lak) 6.500 ha. Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, công trình này còn phát điện công suất 1.000 KW. Công trình có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thân đập của hồ chứa nước đi qua 2 làng: Khôih và H’Náp có 142 hộ dân sinh sống. Huyện Chư Prông đã xây dựng dự án di dân tái định cư, được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt và Bộ đã cấp toàn bộ kinh phí 117 tỷ đồng, trong đó có 37 tỷ đồng đền bù, hỗ trợ trực tiếp cho dân.
Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm