Chính trị

Tin tức

Vì đại cục!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố sai phạm và đề nghị kỷ luật đối với một số cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao ở một số tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị. Dư luận quan tâm vì kể từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, dưới ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực do người đứng đầu Đảng ta-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phất cao, hàng loạt sai phạm đã bị phanh phui đưa ra ánh sáng.
 

Ảnh minh họa

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng khi trao đổi với báo chí về những vi phạm nói trên đã rất tin tưởng: “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định đó là những sai phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý kỷ luật thì hình thức xử lý, kỷ luật cũng sẽ phải nghiêm minh, nghiêm khắc”. Cũng từ những vụ việc đó, đồng chí Võ Trọng Việt-Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội đã chỉ ra ý nghĩa sâu xa của việc chỉnh đốn Đảng. Đồng chí nói: “Nhân dân thấy nhiều việc tốt nhưng chỉ vài việc không tốt thì mất niềm tin, nên đạo đức nghề nghiệp phải hết sức lưu ý”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra đích danh nguyên nhân mà cũng là cảnh báo mối nguy hại tiềm tàng về sự sa sút, hư hỏng của cán bộ trong cơ chế thị trường, đó là “đại ca, đại gia làm hư hỏng cán bộ”.

Quyết liệt hơn, gay gắt hơn, đồng chí Phạm Thế Duyệt-nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, Trung ương đã tấn công mạnh mẽ vào tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như thế thì các bộ, ngành, địa phương như thế nào. Không thể có tình trạng trên nói dưới không nghe, trên làm dưới thờ ơ hoặc làm qua loa chiếu lệ. Cũng không thể để các trường hợp vi phạm “hạ cánh an toàn”. Phải xử lý nghiêm khắc, dứt khoát, không khoan nhượng trên tinh thần: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi, khô gì cũng phải cháy! Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã vào hồi quyết liệt rồi thì dẫu là ai, sai phạm lớn, nhỏ gì cũng phải bị phanh phui và xử lý.

Vi phạm thì phải xử lý, dẫu đau buồn. Không “giơ cao đánh khẽ”, không sợ mất uy tín, không lo lắng mà tin tưởng, hy vọng vào sự tiến bộ, đổi mới. Phát biểu này của nhiều đồng chí cán bộ cấp cao, lãnh đạo Trung ương, cán bộ lão thành khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Gan ruột hơn, có đồng chí cho biết, người vi phạm từng là đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí đã từng tin tưởng, tiến cử với tổ chức, nhưng nay trước vi phạm của họ thì không khỏi bất bình, lên án.

Là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ý thức hơn ai hết sự cần thiết của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ Đảng, vì sự tồn vong của Đảng và chế độ, vì sự ổn định, tiến bộ và phồn vinh đất nước. Trước những sai phạm, sai lầm, người vi phạm cũng đâu thể không dằn vặt, đau khổ, ám ảnh. Thậm chí là cả đời. Đời người còn gì quan trọng hơn danh dự. Dân tộc ta là một dân tộc trọng danh dự. Chẳng thế mà ông bà, tổ tiên răn dạy cháu con sống sao cho xứng đáng, “trọng nghĩa khinh tài”. Nó cũng không khác gì chân lý: Mất tiền là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều nhưng mất danh dự là mất tất cả.

Chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cuộc đấu tranh gian khổ, khó khăn, lâu dài, phức tạp. Nhưng tính chất của các vụ vi phạm, yêu cầu của cuộc đấu tranh của Đảng với tư cách là người khởi xướng và với nhân dân-người chủ xã hội, là cần kíp, cấp bách, không thể trì hoãn. Nguyên nhân của những hư hỏng, tiêu cực phải được vạch trần, phanh phui, chỉ rõ và xử lý nghiêm.

Vì đại cục, hành xử trên cơ sở đó mới thể hiện vai trò của đảng cầm quyền, mới lấy lại niềm tin của nhân dân. Và đó cũng chính là mục tiêu của cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng hiện nay.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm