Du lịch

Hành trang lữ hành

Vị đắng ngọt cá niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ thị xã An Khê đổ xuống miền trung du Bình Định là những con đèo cao, có nơi trên 1.000 m so với mặt nước biển. Độ cao này đã tạo ra những dòng chảy, những con thác tuyệt đẹp, xa xa nhìn lên như một suối tóc tiên từ trên trời buông xuống. Trên đường lữ hành ấy, có những thức món khiến ta không thể nào quên, trong đó có cá niên-loài cá rất đặc biệt đã chọn những nơi như tiên cảnh kể trên làm không gian sống. 
Mang nhiều tên gọi khác nhau: cá sỉnh cao, cá mát, pa khinh (tiếng Thái), cai lin (Hrê), ca da lết (Kor)..., cá niên đã chứng tỏ ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của người dân vùng trung du. Nhiều nơi có cá niên nhưng để tìm được loại cá ngon nhất phải vượt rừng tìm đến dòng nước từ chân thác 50 (huyện Kbang) chảy xuống xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Với địa hình dốc thác, đây là nơi sinh sống lý tưởng của cá niên. Cá niên không chỉ là đặc sản tuyệt vời ở An Lão mà còn tượng trưng cho cái đẹp thanh tao, toàn diện. Người dân tộc Hrê thường lấy hình tượng này làm chuẩn mực để khen ngợi con gái ở tuổi dậy thì, đó là “đẹp như cá niên” (lem tia cai lin).
Cá niên nướng chấm muối hột giã với ớt là món đặc sản ở huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Ảnh: T.Đ
Cá niên sống chủ yếu ở dưới những con thác, chúng luôn bơi ngược dòng kiếm ăn ở nơi ngọn nước tung bọt trắng xóa nên thân hình cũng trắng muốt, phần vây pha ánh mặt trời nên có chút ngả vàng. Loài cá niên sinh ra như để thử thách, đương đầu với sức mạnh của thác nước nên có thân hình dài, thon, xương cứng, thịt chắc và dai. Cuộc ngược dòng mưu sinh chủ yếu nhằm tìm thức ăn sạch, chủ yếu là rong rêu, những sinh vật bám trên thác đá. Đó là cách cá làm cho mình thanh tao hơn, rất phù hợp với không gian sống của chúng.
Để tôn lên độ ngon cho cá niên, thiên nhiên đã cho một loài rau mọc dọc theo bờ suối trên núi cao, có tên gọi là rau dớn. Rau dớn giống loài dương xỉ, không mùi, giòn và có chất nhớt. Thịt cá niên nướng trên than củi rừng rồi đem trộn rau dớn là một sự hòa vị độc đáo do những người dân bản địa khám phá được từ thiên nhiên. Một chuyến đi xuyên rừng dọc qua những con thác, may mắn gặp một người dân bản địa đi săn cá niên thì đó là món quà quý. Chỉ cần nhóm đống lửa nhỏ, xiên cá nướng và quơ tay hái ít rau dớn dọc con thác đang ầm ào, vừa thưởng thức vị ngon, vừa ngắm cảnh đẹp, vừa được nghe kể cách săn bắt cá niên là tận hưởng đầy đủ dư vị của cả một không gian ẩm thực toàn mỹ.
Phần ngon nhất của cá niên là ruột cá. Có lẽ vì sống ở vùng thác, vận động nhiều nên mật cá to và đắng. Đắng nhẩn nhưng lại ngọt ở hậu vị nên ăn được vài lần thì sẽ nghiện. Cá bắt lên bờ thường được nướng nguyên con, phần thịt thơm ngọt, phần ruột thì đắng ngọt... Sự đa mùi vị đem lại cho thực khách nhiều cảm xúc dù cá chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay.
Câu chuyện về cuộc đời của cá niên là một hành trình tung hoành, vẫy vùng, phóng khoáng, tinh khiết, vậy nên người dân An Lão đã đặt thêm cho nó một cái tên khác là cá vua. Danh xưng này hội đủ cả độ ngon, cái đẹp, sự thanh tao và cả sự đắt đỏ. Loài cá của đại ngàn, của thác ghềnh này săn bắt được đã khó, săn để… mua được càng khó hơn. Vào dịp Tết, giá cá lên đến trên 1 triệu đồng/kg nhưng không phải ai cũng may mắn mua được. Cá được xếp vào hạng sang nên chỉ khách quý mới được người dân đem ra đãi.
Vì vậy, một khi cá đã đưa ra khỏi rừng, nơi cả rau dớn cũng đã được bảo quản trong tủ lạnh thì vị của đại ngàn không còn nguyên vẹn. Có một lần tôi ngồi cùng bạn bè giữa TP. Hồ Chí Minh với cá niên từ An Lão gửi vào, có cả rau dớn và than hoa nhưng ngọn lửa không đượm, mùi cá không còn hương của núi, không còn nghe tiếng thác đổ mát rười rượi lẫn trong nồng đượm vị đắng ngọt của ruột cá. Người bạn uống cạn ly rượu Bàu Đá rồi gật gật đầu nhận ra một điều rằng, không thể tách đặc sản ra khỏi “không gian văn hóa” của nó.
Ngồi giữa đô thành lại nhớ về những đêm An Lão trầm tịch trong một thung lũng bao quanh bởi núi rừng, chỉ có tiếng thác đổ, ánh lửa hồng và bầu trời đầy sao... Không chỉ có vị đắng ngọt ngào của cá niên mà còn có hương của rừng hòa quyện vào thức ngon của núi rừng, tạo một dư vị khó quên khi một lần về với thung lũng An Lão.
TRƯỜNG ĐĂNG

 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm