Sẵn sàng tuyển và đào tạo nhân tài xứ Nghệ - điển hình là “trò cưng” Nguyễn Công Phượng - nhưng ông Đoàn Nguyên Đức không bao giờ cho phép Học viện của mình được đá giao hữu với “lò” bóng đá SLNA, đồng thời cũng lâu rồi không tuyển mộ các cầu thủ chuyên nghiệp từ xứ Nghệ. Vì sao lại như vậy?
Mọi chuyện bắt đầu từ trận bóng giao hữu giữa các thành viên khóa 1 học viện Arsenal-HAGL JMG với đội U19 SLNA trên sân Pleiku vào tháng 4/2013. Chứng kiến U19 SLNA "chém đinh chặt sắt" để tìm trận hòa 1-1, bầu Đức tuyên bố không cho phép thành viên của học viện do ông bỏ tiền đầu tư đá giao hữu với "lò" xứ Nghệ lần nào nữa.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức. |
Nhắc lại trận đấu đó, bầu Đức vẫn còn bức xúc: "Chỉ là một trận giao hữu nhưng thay vì chơi bóng, các cầu thủ trẻ SLNA lại tìm cách ăn thua đủ. Tình hình trên sân càng trở nên căng thẳng hơn khi Xuân Trường ghi bàn trước cho đội học viện, phía SLNA lại càng đá rắn hơn".
"Nhìn những đứa con mà mình nuôi dưỡng liên tục bị đá xấu, phải cố gắng giữ chân và khi bị gỡ hòa cũng không dám tấn công, tôi cảm thấy thất vọng với cách đào tạo trẻ của lò SLNA. Không hiểu sao họ lại tự hào với thứ bóng đá chém đinh chặt sắt, thậm chí còn tôn vinh nó như một thương hiệu, một đặc sản".
Chứng kiến hình ảnh một cầu thủ trẻ của U19 SLNA khi đội nhà ghi bàn gỡ hòa đã chạy lại khung thành rồi sút liên tục vào lưới, sau đó đá bóng về phía khán đài B để thách thức các CĐV Gia Lai, bầu Đức quyết định tẩy chay "lò" SLNA.
"Tôi không bao giờ cho phép học viện của mình đá giao hữu với SLNA thêm lần nào nữa. Xứ Nghệ đúng là có nhiều nhân tài bóng đá, tôi yêu thương Công Phượng như con mình nhưng ngoài việc tuyển và đào tạo, tôi thực sự ngán ngẩm với những gì mà bóng đá SLNA đang muốn hướng cho cầu thủ trẻ của họ" - bầu Đức băn khoăn.
Thực tế, không phải đến khi lứa đầu tiên của Arsenal-HAGL JMG trình làng vào năm 2013, bầu Đức mới dè bỉu lò SLNA. Từ trước đó nhiều năm, ông cũng đã nhìn ra những vấn đề của lò đào tạo trứ danh này. Ai cũng biết, bầu Đức là người đầu tiên "vẽ" ra lộ trình vô địch bằng thật nhiều tiền với Dream Team ở những năm đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp. Rất nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam đã lên phố núi.
Thế nhưng, ngay cả khi thành công rất nhanh chóng bằng công thức ấy, bầu Đức lại bắt đầu không vui. Năm 2004, HAGL toàn thắng 11 trận sân nhà nhưng chỉ thắng 3 trận sân khách. Có trận đấu ở sân Vinh, ông buộc lòng cất hết cầu thủ gốc Nghệ An, tự mình đội mưa tham gia chỉ đạo suốt trận đến mức phát sốt trên đường về nhà. Cũng trận đấu đó, ông có câu nói ấn tượng khi gặp hai cầu thủ trẻ rất nổi tiếng của SLNA: "Mua mấy đứa về, đội anh chưa bị gì, rồi chắc cũng 'bệnh' hết".
Là một trong những người rất thích sử dụng cầu thủ của "lò" Nghệ An khi bắt tay vào làm bóng đá, bầu Đức từng thắc mắc: tại sao một nơi có thể sản xuất đều đặn và đông đảo nhân tài cho bóng đá Việt Nam đến mức có thể cùng lúc bố trí hai đội SLNA với chất lượng đều như nhau nhưng suốt 20 năm bóng đá chuyên nghiệp, SLNA chỉ vô địch đúng một lần. Câu trả lời được bầu Đức tìm thấy khi tiến hành xây dựng Học viện HAGL –Arsenal JMG với một tiêu chí quan trọng: Đạo đức cầu thủ. Có thể ông tin rằng, nếu các cầu thủ Việt Nam được đào tạo song song cả phần người và phần nghề, thì chắc chắn sẽ tiến xa. Vụ án bán độ tại SEA Games 2005 càng củng cố thêm nhận định ấy của bầu Đức.
Theo Nhật Trường (Dân Việt)