Kinh tế

Giá cả thị trường

Vì sao ông lớn bán lẻ Pháp, Đức… tạm biệt Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhiều đại gia bán lẻ phương Tây như Metro, Parkson, Auchan… đều phải chia tay Việt Nam vì đuối sức trong cạnh tranh với đối thủ.
Thị trường bán lẻ Việt Nam (VN) liên tiếp chứng kiến sự ra đi của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu dù đây được đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn với sức mua ngày càng tăng cao.
Tập đoàn hàng đầu nước Pháp ra đi
Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte, vừa cho biết đã quyết định bán 18 siêu thị tại VN sau gần năm năm có mặt, nhường thị trường cho nhà bán lẻ khác. Ông tiết lộ năm năm hoạt động tại thị trường Việt chỉ thu về cho doanh nghiệp 45 triệu euro (50,4 triệu USD) vào năm ngoái và vẫn đang trên đà thua lỗ.
Bà Vũ Thị Kim Nương, Giám đốc truyền thông Auchan VN (Auchan), giải thích thêm nguyên nhân khiến Auchan rút khỏi thị trường VN là do kết quả kinh doanh không đạt lợi nhuận, thua lỗ. Đại diện đơn vị này cũng cho hay đang tiến hành đàm phán với các đơn vị bán lẻ tại VN để nhượng lại hệ thống cửa hàng của tập đoàn bán lẻ nổi tiếng nước Pháp này.
Bước chân vào VN từ năm 2015, không giống nhiều chuỗi bán lẻ khác, Auchan chọn cách bắt tay với các tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính tại chung cư của chủ đầu tư. Hệ thống siêu thị này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại nước ta.
Thế nhưng đến nay mới có 18 siêu thị được mở tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Đáng chú ý, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Pháp từng nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply và nay là Auchan nhưng vẫn không thay đổi được doanh thu, thậm chí còn rơi vào vòng thua lỗ và buộc phải bán đi. Theo một số nhân viên tại siêu thị Auchan Hoàng Văn Thụ, họ sẽ phải nghỉ làm khi các siêu thị này chính thức đóng cửa.
Auchan không phải là ông lớn nước ngoài duy nhất tạm biệt thị trường Việt. Trước Auchan, hãng phân phối Casino Group (Pháp) cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C VN cho Tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,05 tỉ USD.
Một thương vụ đình đám khác là Tập đoàn TCC của Thái Lan đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro (Đức) tại VN với tất cả trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro. Trước khi chuyển nhượng, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành; năm kho trung chuyển và tổng cộng khoảng 3.600 nhân viên.
Tập đoàn này chia tay VN sau nhiều năm kinh doanh không khả quan và thương hiệu Metro biến mất khỏi thị trường sau khi được bán lại cho đối tác Thái, khi bị đổi tên thành Mega Market VN.
 
Chuỗi siêu thị Pháp Auchan Retail thông báo giảm giá 25%-50% nhiều mặt hàng trước khi tạm biệt Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Thị trường hấp dẫn nhưng đành chia tay
TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối bán lẻ, cho rằng có nhiều lý do khiến các đại gia bán lẻ ngoại tạm biệt thị trường nước ta. Ví dụ, các siêu thị Auchan thường nằm ở các tòa nhà, khu chung cư. Với việc chọn địa điểm này, độ nhận biết về thương hiệu rất hạn chế, chỉ xoay quanh khu chung cư đó.
Thứ hai, Auchan chỉ đơn thuần là siêu thị mua sắm nên chỉ thu hút được khách hàng lân cận, không thu hút được khách hàng xa tới vui chơi kết hợp mua sắm vào cuối tuần. Thứ ba, Auchan chưa có nhiều giải pháp để kéo khách hàng đến như nhiều siêu thị khác, dẫn tới khách hàng rất vắng, doanh thu thấp và không có lợi nhuận.
 “Nhìn chung mô hình kinh doanh của Auchan là không hiệu quả. Mở siêu thị, chi phí sẽ rất lớn về mặt bằng, tồn kho cao… trong khi doanh số không đủ bù đắp nên việc rút khỏi thị trường cũng là điều dễ hiểu” - TS Đào Xuân Khương bình luận.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cũng đánh giá tính hiệu quả trong quản trị của Auchan chưa thật sự tốt: “Qua trực tiếp khảo sát, tôi nhận thấy chất lượng, kỷ luật dịch vụ và chọn lựa quản lý nguồn cung cấp là những điểm yếu của hệ thống siêu thị này. Mặt khác, Auchan vào VN hơi muộn, khi mà thị trường bán lẻ ở phân khúc siêu thị đại chúng đã gần như được lấp đầy”.
Vị chuyên gia này cũng nhận xét Auchan bị kẹp cứng giữa những Co.opmart, Big C và Lotte nhưng lại không định vị được sự khác biệt. “Chính vì thế, dù Auchan là tập đoàn nổi tiếng của Pháp nhưng bị lu mờ trước trào lưu Hàn Quốc với siêu thị Lotte Mart; Nhật Bản với siêu thị Aeon, Family Mart… đang chinh phục khắp châu Á” - ông Quang nhìn nhận.
Đối thủ mới đáng gờm
Các chuyên gia đều có chung nhận định thời gian tới thị trường bán lẻ VN sẽ khó thu hút thêm các tập đoàn bán lẻ châu Âu ở phân khúc đại chúng bởi phân khúc này đang bị cạnh tranh quyết liệt. Tuy vậy, với phân khúc siêu thị hàng hiệu thì các thương hiệu hàng đầu Âu-Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Với phân khúc siêu thị đại chúng, các tập đoàn ở khu vực lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc nhìn thấy cơ hội và khả năng tiếp cận của mình rõ rệt hơn so với các tập đoàn ở xa như Đức, Pháp.
“Tuy nhiên, thị trường bán lẻ VN ở phân khúc siêu thị đại chúng sẽ phát triển không theo kiểu cũ mà hình thành các thị trường ngách với những chuỗi bán lẻ chuyên ngành như nội thất và dụng cụ cơ khí xây dựng, chuỗi bán phụ tùng ô tô…” - chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định.
Còn TS Đào Xuân Khương dự báo thị trường bán lẻ trong thời gian tới là sự phát triển của cửa hàng quy mô vừa, không phải nhỏ không phải lớn như siêu thị nhưng tiện lợi. Những cửa hàng 100-200 m2 phục vụ như cửa hàng tiện lợi, bán hàng tươi sống thiết yếu sẽ phát triển. Đây là mô hình mà Bách hóa XANH đang theo đuổi.
Tuy nhiên, dù ở mô hình nào thì các siêu thị cũng phải cạnh tranh gay gắt với thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh. Do vậy, để tồn tại và phát triển, siêu thị cần liên tục đổi mới, tạo ra sự khác biệt và đặc biệt là am hiểu văn hóa tiêu dùng người Việt. Trong đó, các mô hình mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí, thư giãn… sẽ thắng thế.
Bán gần 90 cửa hàng với giá… 1 USD
Hồi tháng 4-2019, Công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, đã nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce với giá 1 USD. Đại diện công ty này chia sẻ nguyên nhân phải bán chuỗi cửa hàng do kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng sau 14 năm đầu tư phát triển.
Tương tự, hệ thống trung tâm thương mại Parkson đến từ Malaysia gia nhập thị trường VN từ năm 2005, từng nuôi tham vọng mở 2-3 trung tâm tại các đô thị lớn của VN nhưng Parkson có dấu hiệu đuối sức trong cuộc đua giành thị phần. Cuối cùng đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng các đại gia này thất bại vì chưa hiểu được hành vi mua sắm và văn hóa tiêu dùng của người VN. Tuy vậy, theo TS Khương, không phải ông lớn nào rút khỏi VN đều do kinh doanh thất bại mà họ ra đi vì nhiều lý do. Ví dụ, Tập đoàn Casino bán hệ thống Big C cho đại gia Thái Lan nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. 

Tú Uyên (PL)

Có thể bạn quan tâm