Pháp luật

Tin tức

Vì sao ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội bị bắt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kết quả điều tra ban đầu xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ 2,3 tỉ đồng, nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá 7 tỉ đồng, chênh gần 5 tỉ. Ngoài CDC Hà Nội còn tỉnh nào mua máy này với giá 'trên trời'?
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - nơi đang bị nghi ngờ có sai sót trong mua sắm hệ thống xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 23-4, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội, và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Covid-19. Các bị can này có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế.
Nâng giá máy xét nghiệm gấp 3 lần giá nhập
Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. 
Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các bị can là lãnh đạo, nhân viên của CDC Hà Nội cùng với giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST), tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành... đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành để mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19. C03 đang tiếp tục điều tra nghi vấn CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc ngoặc với nhau đẩy giá lên cao để trục lợi khoản chênh lệch.
Một lãnh đạo C03 chia sẻ đây là một trong số ít vụ án về tội vi phạm quy định về đấu thầu được Bộ Công an khởi tố điều tra làm rõ. Trước đó, vụ án Nhật Cường, nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cũng bị khởi tố cùng tội danh. "Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò các bị can trong vụ án cũng như hành vi trục lợi cá nhân để thu hồi tài sản cho Nhà nước", lãnh đạo C03 cho hay.
 
Bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội - Ảnh: CA cung cấp
Còn tỉnh nào mua thiết bị xét nghiệm giá "khủng"?
Không chỉ Hà Nội mua thiết bị xét nghiệm Realtime PCR giá cao, còn một tỉnh nữa đã mua thiết bị này giá rất cao và cơ quan điều tra cũng đang vào cuộc làm rõ. 
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, thiết bị Realtime PCR của Hãng Qiagen, Đức đã được Sở Y tế Quảng Ninh ký hợp đồng mua bán hôm 1-3, với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao, với giá trên 8,4 tỉ đồng.
Tìm hiểu quy trình cho thấy thiết bị này được Quảng Ninh mua theo hình thức chỉ định thầu. Để hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu theo quy định, căn cứ kết quả thẩm định giá hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử để xét nghiệm COVID-19 của Công ty CP Thẩm định giá Quảng Ninh và Sở Tài chính, trong đó Công ty CP Thẩm định giá Quảng Ninh đã thẩm định giá thiết bị này là 8,446 tỉ đồng, Sở Tài chính thẩm định là 8,4 tỉ đồng.
Sau khi có kết quả thẩm định giá, Sở Y tế Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh phê duyệt mua thiết bị với giá 8,4 tỉ đồng. Ngày 1-3 hợp đồng đã được ký.
Đến 23-3, sau cuộc làm việc của C03 với Sở Y tế (làm việc ngày 15-3), Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỉ đồng. Ngày 19-3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21-4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỉ này.
Ngày 23-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị với giá 5,2 tỉ, tức có thể là giá đã được đàm phán giảm thêm một lần nữa!
Không chỉ có Quảng Ninh, một tỉnh lân cận Hà Nội mua với giá 6,2 tỉ, sau đó "đàm phán" giảm xuống còn 5,4 tỉ, trong khi theo một chuyên gia về thiết bị y tế, giá nhập khẩu đến cảng Việt Nam của thiết bị này chỉ là 2,3 tỉ, tính cả chi phí bảo hành bảo trì trọn đời và các chi phí liên quan mới lên đến 3 tỉ. Một bệnh viện tư ở Hà Nội cũng mới mua hệ thống tương tự với giá 3,5 tỉ.
Ngày 23-4, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đã phân công ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc sở, phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thay ông Nguyễn Nhật Cảm vừa bị bắt tạm giam.
Hà Nội là vùng dịch nóng nhất trong vụ dịch COVID-19 ở Việt Nam, với hơn 1/2 bệnh nhân ghi nhận được là phát hiện xâm nhập từ nước ngoài vào Hà Nội hoặc phát sinh từ các ổ dịch cộng đồng ở Hà Nội.

Thân Hoàng-Lan Anh (TTO)

Có thể bạn quan tâm