Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Vì sao ông Trump có thể hóa giải xung đột Nga- Ukraine nếu đắc cử ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi xung đột Nga- Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt, các nhà phân tích cũng đã hình dung kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể xoa dịu tình hình hoặc làm cho khốc liệt hơn.
Cựu Thủ tướng Czech Andrej Babis. Ảnh: GDTD online

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết, ngày 30/9 rằng các lực lượng của họ đã nhắm mục tiêu vào các binh sỹ và trang thiết bị của Ukraine ở các khu vực Kharkiv và Donetsk, đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine.

Các lực lượng của Nga cũng kiểm soát một khu định cư ở Luhansk và báo cáo về các cuộc giao tranh đang diễn ra ở tỉnh Kursk, dẫn đến tổn thất của Ukraine về nhân sự và trang thiết bị.

Cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine thì cho biết các lực lượng của họ đã tham gia vào nhiều trận đánh với quân đội Liên bang Nga, bao gồm cả ở khu vực Kharkiv.

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, các lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Liên bang Nga trên hướng hai thành phố Pokrovsk và Kurakhove thuộc tỉnh Donetsk, tấn công một kho đạn của Liên bang Nga ở tỉnh Volgograd.

Trong khi xung đột Nga-Ukraine vẫn bất phân thắng bại và có chiều hướng khốc liệt hơn, khi Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, còn Nga thì cho biết đã sửa học thuyết vũ khí hạt nhân, thì cuộc bầu cử ở Mỹ cũng đang vào hồi cao trào.

Ngoài cuộc “đấu khẩu” giữa ông Trump và bà Harris, trước thềm cuộc tranh luận duy nhất giữa 2 ứng cử viên phó tổng thống Mỹ, Thống đốc Tim Walz (thuộc đảng Dân chủ - bang Minnesota) và Thượng nghị sĩ J. D. Vance (đảng Cộng hòa - bang Ohio) vào ngày 1/10, dư luận Mỹ có chiều hướng quan tâm nhiều hơn so với các cuộc tranh luận.

Nhiều bài viết nhận định cách biệt giữa hai phe Harris - Walz và Trump - Vance đang sít sao đến mức cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống cũng có thể có tác động đột biến đối với cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ngoài ra, trong bối cảnh cựu Tổng thống Trump từ chối tranh luận lần hai với Phó Tổng thống Harris, cuộc tranh luận ngày 1/10 nhiều khả năng sẽ là lần tương tác cuối cùng của 2 chiến dịch tranh cử trước sự chứng kiến của cử tri cả nước Mỹ.

Sở dĩ các cuộc tranh luận thu hút sự quan tâm của dư luận là bởi với vai trò chi phối của Mỹ, kết quả bầu cử tổng thống có ảnh hưởng nhất định đến trật tự thế giới, các điểm nóng, nhất là xung đột Nga- Ukraine.

Mới đây ngày 29/9, cựu thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis trong cuộc phỏng vấn với báo Financial Times (Anh) và được Đài RT (Nga) đánh giá, hiện nay ngay cả Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên NATO cũng không thống nhất về chuyện nên tiếp tục làm gì ở Ukraine. Và ông đề xuất: "Mục tiêu chính của châu Âu nên là hòa bình".

Ông Babis cho rằng "chiến thắng của ông Donald Trump sẽ tốt cho châu Âu vì ông ấy đã hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức".

Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Đảng ANO của ông Babis thắng lớn trong cuộc bầu cử khu vực gần đây.

"Sự trở lại của ông Babis có thể củng cố phe phi tự do ở Trung Âu do Thủ tướng Viktor Orban của Hungary và Thủ tướng Robert Fico ở Slovakia dẫn đầu. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo trong EU và NATO về việc duy trì sự đoàn kết trong việc giúp Ukraine chống lại Nga" - báo Financial Times bình luận.

Đến nay không ai biết chắc chắn cuộc xung đột Nga - Ukraine khi nào sẽ kết thúc. Mới đây, Nga đã thay đổi học thuyết hạt nhân, trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị tấn công bằng tên lửa thông thường.

Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga đưa ra trong bối cảnh diễn ra các cuộc thảo luận hiện nay tại Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine phóng tên lửa thông thường của phương Tây vào lãnh thổ Nga hay không.

Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở New York hôm 27/9, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông có "mối quan hệ rất tốt" với cả nhà lãnh đạo Ukraine và Tổng thống Nga Putin. Ông Trump nói có thể đưa ra giải pháp "tốt cho cả hai bên" để giải quyết xung đột Nga - Ukraine nếu ông thắng cử vào tháng 11.

TS ( từ TTXVN, TTO, giaoducthoidai.vn)

Có thể bạn quan tâm