Theo truyền thông Israel, khoảng 85 quả bom phá boongke đã được sử dụng trong cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut của Lebanon tối 27-9, dẫn đến cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
Chuyên gia phân tích quân sự và an ninh Elijah Magnier nói với đài Al Jazeera rằng loại bom được sử dụng có thể là GBU-31 JDAM (do Mỹ phát triển) và Spice 2000 (do nhà sản xuất Rafael của Israel phát triển).
Bom phá boongke thường cắm sâu vào lòng đất trước khi phát nổ, sở hữu sức mạnh phá hủy các cơ sở ngầm và các tòa nhà bê tông cốt thép.
GBU-28, một loại bom phá boongke do Mỹ phát triển. Ảnh: Không quân Mỹ |
Mỗi quả bom nặng trung bình từ 900-1.800 kg, có thép dày hơn những loại bom khác để tăng cường sức mạnh. Đầu đạn của nó chỉ bằng một nửa kích thước của một quả bom thông thường với trọng lượng tương tự. Bom có thể xuyên qua 30 m đất hoặc 6 m bê tông và tạo ra sóng xung kích có thể làm sụp đổ các công trình khác.
Công ước Geneva cấm sử dụng loại bom này ở những khu vực đông dân cư do nguy cơ thương vong hàng loạt.
Tờ Jerusalem đưa tin hồi năm 1981, không quân Israel (IAF) đã phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Iraq bằng bom "Iron" thông thường, đơn giản. Vụ việc này khiến Iran, các phong trào Hamas và Hezbollah phải xây dựng các cơ sở ngầm, được bảo vệ bằng hàng tấn bê tông và đá tự nhiên.
Sau đó, IAF được cho là để mắt tới các loại bom phá boongke như GBU-28, có thể phá hủy các cơ sở ngầm trên.
Loại bom này thường sử dụng uranium nghèo trong thân vỏ, tương tự một số loại đạn pháo. Tuy điều này không biến chúng thành vũ khí hạt nhân nhưng lại dẫn đến phân tán chất ô nhiễm phóng xạ tại địa điểm va chạm, có thể cảm nhận được trong phạm vi vài m ở mức độ thấp.
Một thành phần đặc biệt khác của bom là ngòi nổ thông minh được lập trình để kích nổ đầu đạn dựa trên tính toán tốc độ, khi quả bom đã hoàn thành chuyển động và xuyên qua độ sâu tối đa hoặc phá hủy một tầng cụ thể trong một cấu trúc ngầm nhiều tầng.
Vì boongke nằm cố định nên việc đánh trúng một cách chính xác không phải là vấn đề. Điều quan trọng là phải thả bom từ máy bay với tốc độ và độ cao chính xác để đánh trúng mục tiêu ở đúng điểm, góc và tốc độ nhằm tối đa hóa khả năng xuyên thủng.
Nhiều quả bom phá boongke có thể được thả liên tiếp để xuyên sâu hơn nhưng điều này đòi hỏi phi công phải thao tác chính xác và phối hợp giữa các máy bay trong quá trình thả bom. Những quả bom này được dẫn đường bằng tia laser hoặc vệ tinh kết nối với một bộ kit như JDAM của tập đoàn Boeing.
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)