Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Vì sao thay đổi nhân sự giới thiệu ứng cử Quốc hội của khối Chính phủ, Chủ tịch nước?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chủ tịch nước thay vì khối Chính phủ như trước. Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng, được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chính phủ.

Các đại biểu tham dự hội nghị biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ người của các cơ quan T.Ư ứng cử ĐBQH khóa 15. ẢNH: NGỌC THẮNG
Các đại biểu tham dự hội nghị biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ người của các cơ quan T.Ư ứng cử ĐBQH khóa 15. ẢNH: NGỌC THẮNG
Sáng 18.3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan T.Ư ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Danh sách các khối lập theo thông báo của Bộ chính trị
Trong danh sách sơ bộ được hội nghị biểu quyết thông qua có nhiều thay đổi trong cơ quan giới thiệu người ứng cử. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ở khối Chủ tịch nước thay vì khối Chính phủ như trước đó. Ngoài ra, trong danh sách người ứng cử thuộc khối Chủ tịch nước còn có bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Thực ra, có thể đợi bộ máy nhà nước kiện toàn xong tại kỳ họp QH sắp tới (kỳ họp 11) rồi mới thay đổi cơ quan giới thiệu nhưng hiện nay Bộ Chính trị đã có thông báo rồi. Danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử ở các khối được lập theo thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
Trong khi đó, danh sách 15 người được giới thiệu thuộc khối Chính phủ, các cơ quan Chính phủ (bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an), có tên ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng; ông Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước. Cả ông Chính, ông Diên và ông Phớc hiện đều không công tác tại Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ. Những người còn lại đều đang công tác tại các cơ quan Chính phủ như: ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; ông Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong danh sách 130 người được giới thiệu ứng cử thuộc khối các cơ quan Quốc hội (QH), có tới hơn 40 người hiện công tác tại các cơ quan khác, hoặc các địa phương. Chẳng hạn, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Trần Quang Phương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; ông Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng; ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk...
Về việc đại biểu (ĐB) đang công tác ở khối này lại được giới thiệu ở khối khác, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết đối với những nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có thông báo cụ thể tới Đoàn Chủ tịch T.Ư MTTQ Việt Nam. “Thực ra, có thể đợi bộ máy nhà nước kiện toàn xong tại kỳ họp QH sắp tới (kỳ họp 11) rồi mới thay đổi cơ quan giới thiệu nhưng hiện nay Bộ Chính trị đã có thông báo rồi. Danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử ở các khối được lập theo thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Lềnh thông tin.
Cả nước có 77 người tự ứng cử
Trước đó, báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức ở T.Ư, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết theo kết quả giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư, tổng số ĐB của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa 15 là 207 người; các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người. So với phân bổ trước đó, có 2 khối giới thiệu số lượng người khác với số lượng đã được phân bổ trước đó. Các cơ quan Đảng được phân bổ 10 ĐB thì hiện nay giới thiệu 11 người (nhiều hơn 1 người so với phân bổ). Các cơ quan của QH, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH, Văn phòng QH (ĐBQH chuyên trách ở T.Ư) được phân bổ 133 ĐB hiện nay mới giới thiệu 130 người (thiếu 3 người).
“Những người tái cử ĐBQH có uy tín, nhiều đóng góp”
Ngày 18.3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 51 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV và 172 người ứng cử ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết trong 51 ứng viên ĐBQH, có 36 người được giới thiệu từ 33 cơ quan, tổ chức, đơn vị và 15 người tự ứng cử. Về cơ cấu, có 2 lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM, 2 ĐB chuyên trách, 11 ĐB Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị xã hội, 2 ĐB lực lượng vũ trang, 2 ĐB cơ quan tư pháp, 4 ĐB thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo và y tế, 9 ĐB từ viện nghiên cứu và trường đại học, 3 ĐB doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, 1 ĐB tôn giáo. Tất cả những người được giới thiệu đều đạt số phiếu tín nhiệm từ 90% trở lên.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết bên cạnh 51 ứng viên ở TP.HCM thì T.Ư cũng giới thiệu 14 người. Sau hiệp thương lần thứ 2, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện các bước xác minh, tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi người ứng cử cư trú. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 (dự kiến tổ chức ngày 17.4), Ủy ban MTTQ Việt Nam thống nhất chọn ra 50 ĐB để cử tri bỏ phiếu bầu ra 30 ĐB vào ngày bầu cử 23.5. Bà Châu đánh giá những người tái cử ĐBQH có uy tín, nhiều đóng góp trong nhiệm kỳ vừa qua, đủ tiêu chí, tiêu chuẩn để ứng cử; còn những người ứng cử lần này, được nơi công tác tín nhiệm giới thiệu.
Ở địa phương, tính tới 17.3 có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 ĐB được bầu, tỷ lệ bình quân là 2,95 lần so với số ĐB được bầu ở địa phương. Có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, TP. Trước đó, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, TP dự kiến có người tự ứng cử. Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội và TP.HCM. Theo Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử tới hiện tại là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người trên 1 ĐB được bầu.
Giải thích về thay đổi số lượng người giới thiệu ở một số cơ quan T.Ư, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng ban Công tác ĐB của Ủy ban Thường vụ QH, cho biết việc một số cơ quan giới thiệu nhiều hơn, một số cơ quan lại giới thiệu ít hơn là do “căn cứ tình hình thực tiễn”. “Khối các cơ quan Đảng tăng thêm 1 ĐB là Chánh văn phòng T.Ư Đảng. Khối Văn phòng T.Ư Đảng là một cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, T.Ư, nên rất cần thiết tham gia ứng cử ĐBQH”, bà Thanh nói. Đối với việc giảm ĐB thuộc cơ quan QH, theo bà Thanh, việc giảm này là để bổ sung cho 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, cụ thể là bổ sung 2 “suất” ứng cử QH cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Theo Lê Hiệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm