Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 9/2019 đạt 38,7 nghìn tấn, trị giá 67,91 triệu USD, giảm 35,1% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 8/2019. Ngoài ra, chỉ số xuất khẩu cà phê đến giữa tháng 9/2019 cũng “ảm đạm” so với cùng kỳ 2018.
Sản lượng cà phê xuất khẩu giảm nghiêm trọng, giá “rơi tự do”
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 9/2019 đạt 38,7 nghìn tấn, trị giá 67,91 triệu USD.
Chỉ số này giảm 35,1% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 8/2019, so với 15 ngày đầu tháng 9/2018 giảm 34,7% về lượng và giảm 33,7% về trị giá.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,211 triệu tấn, trị giá 2,073 tỷ USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nửa đầu tháng 9/2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.753 USD/tấn, tăng 1,2% so với nửa cuối tháng 8/2019 và tăng 1,4% so với nửa đầu tháng 9/2018. Tuy nhiên, tính theo lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.711 USD/tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng cà phê năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ 2018.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 2 tuần giữa tháng 9/2019, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa biến động không đồng nhất, tăng/giảm tùy từng địa phương.
Ngày 23/9/2019, giá cà phê Robusta tại tỉnh Lâm Đồng tăng 0,3% so với ngày 10/9/2019, nhưng ổn định so với ngày 31/8/2019, giao dịch ở mức 32.400 – 32.500 đồng/kg.
Tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, giá cà phê Robusta giao dịch ở mức 33.600 đồng/kg, tăng 0,3% so với ngày 10/9/2019, nhưng giảm 0,3% so với ngày 31/8/2019.
Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta loại R1 giao dịch ở mức 34.700 đồng/kg, tăng 0,3% so với ngày 10/9/2019, nhưng giảm 0,6% so với ngày 31/8/2019.
Theo các chuyên gia, thị trường cà phê trong nước vẫn hết sức ảm đạm do hai nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới là Brazil và Indonesia sắp vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn của ngành hàng cà phê sẽ còn tiếp diễn do việc nguồn cung đang cao hơn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trên thị trường thế giới, trong tháng 7, giá cà phê biến động giảm. Đầu tháng 7, giá sàn Robusta tại London ở mức 1.490 USD/tấn, từ ngày 15 đến 17/7 đã giảm gần 100 USD mỗi tấn. Giá cà phê giảm do áp lực bán hàng vụ mới tiếp tục đè nặng các thị trường cà phê kỳ hạn và tác động lên thị trường trong nước.
Ngoài ra, ông Toản phân tích thêm: “Áp lực bán cà phê Robusta từ Brazil vẫn lớn sẽ gây sức ép đáng kể cho giá cà phê trên thị trường London. Tại thị trường trong nước, do lượng tồn kho không nhiều nên người giữ hàng có tâm lý kỳ vọng giá cà phê nội địa sẽ tăng lên mức 35 - 36 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do lượng cà phê Việt Nam còn ít nên mức độ ảnh hưởng lên giá kỳ hạn tại sàn London rất hạn chế.”
Liên kết ngành yếu, thị trường cà phê khó khởi sắc
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 943 nghìn tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nửa đầu năm nay, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,2% và 9,8%. Ngoại trừ Philippines có kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng (tăng 26,6%), còn hầu hết các thị trường chính đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn do nguồn cung vượt nhu cầu. Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết, tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,8% trong năm nay, nhưng mức tăng này chưa đủ hỗ trợ thị trường cà phê thế giới. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang sẽ gây bất lợi lên giá các mặt hàng nông sản thời gian tới, trong đó có cà phê.
Ông Stefan Uhlenbrock, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp tại IHS Markit thông tin thêm: “Mặc dù mức tiêu thụ cà phê toàn cầu đang tăng nhưng thật khó để tăng giá vào thời điểm này. Sự gia tăng trong nhu cầu là rất nhỏ và sự dư thừa cà phê trong những tháng tới có khả năng sẽ duy trì mức giá thấp hiện tại.”
Cách thức làm hiện tại khiến doanh nghiệp và người dân trồng cà phê rất dễ bị "ép" giá.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, điều đáng quan ngại nằm ở chỗ, giá cà phê xuất khẩu và tại thị trường nội địa nước ta có xu hướng giảm nhanh hơn tốc độ giảm trên thế giới.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, lượng cà phê nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giảm hơn 10% và giảm tới 24% về trị giá. Trong 10 nguồn cung cà phê lớn nhất cho Mỹ năm 2018, giá cà phê nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt mức thấp nhất 1.881 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc, giá cà phê nhập khẩu bình quân của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt mức thấp 1,8 USD/kg, giảm 11,6% so với cùng kì năm ngoái.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên cho biết thêm, với hình thức doanh nghiệp ký hợp đồng lấy tiền tạm ứng và đợi đến mùa thu hoạch sẽ giao hàng, lúc đó, mức giá sẽ được ấn định theo sàn thế giới khiến cà phê Việt liên tục bị “ép” giá.
"Chúng ta chỉ có vay và bán nên bị ép giá rất dễ. Việt Nam có tới hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Chính vì mạnh ai nấy làm, nên tổng lượng hàng đã được ký bán trên giấy theo hình thức trừ lùi nhiều khi cao hơn lượng cà phê thực có ở Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng, mặc dù sản lượng thu hoạch thấp hơn cầu, nhưng lượng bán ra trên giấy lại cao hơn nhu cầu mua, khiến các đối tác đẩy giá xuống thấp. Rồi doanh nghiệp để xuất khẩu có lãi, lại quay về ép giá thu mua cà phê từ nông dân". Ông Tiến nói.
Thanh Phong (Dân Việt)