Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý về nguyên tắc việc xây dựng chương trình Tây Nguyên III. Đây là chương trình “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên- môi trường, kinh tế- xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”. Sở dĩ thời điểm này chọn khu vực Tây Nguyên để nghiên cứu bởi tầm quan trọng của nó về mặt địa lý hành chính, địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế đối với khu vực và trong cả nước.
Sau 35 năm kể từ ngày đất nước thống nhất và 25 năm đổi mới, đến nay diện mạo của Tây Nguyên đã thay đổi cơ bản và toàn diện, cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Bên cạnh những thay đổi tích cực, hàng loạt những tác động tiêu cực của quá trình phát triển cũng đang ngày càng lộ rõ.
Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: K.N.B |
Tây Nguyên cũng là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi với hơn 2,9 triệu ha đất đỏ bazan và nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn, trong đó trữ lượng bauxite đạt gần 5,5 tỷ tấn… Mặc dù đầu tư của Nhà nước vào Tây Nguyên không ngừng gia tăng nhưng tăng trưởng kinh tế không bền vững, GDP đầu người thấp chỉ bằng 51% so với trung bình của cả nước, tỷ lệ nghèo đói cao (38%), chỉ sau vùng Tây Bắc (42%).
Chương trình Tây Nguyên III sẽ ưu tiên vấn đề nghiên cứu tình hình kinh tế- xã hội, đánh giá thực hiện chính sách; tập trung phục vụ trực tiếp một số hoạt động quản lý. Chương trình dự kiến thực hiện trong 5 năm (2011-2015) với tổng chi phí khoảng 350 tỷ đồng. Theo dự kiến, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì chương trình với sự tham gia của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Chương trình được xây dựng với 4 mục cơ bản. Trước hết là đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau chương trình Tây Nguyên II (năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ khoa học công nghệ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo. Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hóa và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ Tây Nguyên. Mục tiêu cuối cùng là nghiên cứu cảnh báo thiên tai, đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.
Thanh Chương
Chương trình Tây Nguyên I (1976-1980) với mục đích điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Tây Nguyên nhằm xây dựng định hướng phát triển của vùng. Chương trình Tây Nguyên II (1984-1988), với mục đích đánh giá toàn diện nhu cầu và điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Chương trình Tây Nguyên III (2011-2015) nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên- môi trường, kinh tế- xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. |