Đồng chí Nguyễn Xuân Sang sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi này cũng là quê hương của phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Tháng 11-1969, đồng chí xung phong lên đường nhập ngũ. Sau một tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn 49, Tỉnh đội Quảng Bình, đồng chí cùng đơn vị được cấp trên điều động phối thuộc cho Quân khu Trị Thiên tham gia mở đường từ Lư Bư vào Khe Sanh và trực tiếp chiến đấu, truy quét lực lượng thám báo, biệt kích ngụy bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn phía Tây tỉnh Quảng Trị.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang. |
Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của cả ta và địch. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng ta và địch đứng chân xen kẽ theo thế “Cài răng lược”, vì vậy các trận chiến đấu để mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng, trước và sau khi ký Hiệp định Paris diễn ra dài ngày, hết sức ác liệt. Nhiều chiến dịch và trận đánh của Quân Giải phóng đã đi vào lịch sử và truyền thống của Quân đội ta như chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Trong giai đoạn từ tháng 9-1971 đến tháng 3-1974, vượt qua muôn vàn gian khổ, ác liệt, chủ yếu sống dưới hầm hào, cơm vắt, nước lã, giữ chốt sát với quân địch, chiến đấu liên tục, dài ngày nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Sang đã không quản hy sinh, gian khổ, càng chiến đấu càng trưởng thành. Từ chiến sĩ đến Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, ở cương vị nào đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí trực tiếp chỉ huy Tiểu đội, chiến đấu hơn 20 trận lớn, nhỏ cùng đơn vị tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống nhiều tù binh và thu giữ nhiều vũ khí, trang bị của địch để phục vụ cho những trận đánh tiếp theo. Ngày 20-10-1972, đồng chí đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Trung đoàn 271 được điều động về Quân khu 4 để thành lập Sư đoàn 336 làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Từ tháng 9-1976 đến tháng 8-1979, với cương vị Chính trị viên Đại đội, đồng chí đã cùng đơn vị tham gia giúp bạn truy quét bọn phỉ, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng Lào.
Đặc biệt, từ tháng 9-1979 đến nay, hơn 30 năm liên tục, đồng chí công tác trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Những ngày đầu sau giải phóng phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí và đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trụ vững trên địa bàn Tây Nguyên.
Trưởng thành qua các cương vị từ Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn đến Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị, Tư lệnh Binh đoàn 15, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với cương vị Tư lệnh Binh đoàn, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy-Bộ Tư lệnh xây dựng đơn vị trưởng thành toàn diện, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng đồng bào các dân tộc xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển về kinh tế- xã hội; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Binh đoàn 15 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng khác.
Hơn 40 năm phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành trong quân đội, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 9 Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng nhì và nhiều Huân-Huy chương các loại; 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 bằng khen của Đảng ủy Quân sự Trung ương và nhiều danh hiệu, bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các bộ, ngành của Trung ương trao tặng.
Đặc biệt, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 28-5-2010, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Minh Đức