TN - Đất & Người

Vi Xuân Hụy: Cựu chiến binh đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai), hỏi gia đình cựu chiến binh Vi Xuân Hụy thì ai cũng biết. Là bởi người cựu chiến binh người dân tộc Thái này không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn nuôi dạy các con học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài.
Theo chân cán bộ xã đến nhà ông Hụy, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang của người cựu chiến binh này. Thời điểm chúng tôi đến, ông Hụy đang chuẩn bị cơm trưa cho cả chục người nhặt điều thuê. Vừa tạm xong việc cơm nước, chưa kịp bắt chuyện với khách thì lại có người trong làng đến nhờ “bắt” bệnh. Ông lại xin lỗi chúng tôi: “Các chú thông cảm, mình lại dở tay tí nhé, vì mình là nhân viên y tế thôn do Nhà nước đào tạo mà”.
Kiên định với cây điều
Khi mọi việc đã xong xuôi, ông Hụy bắt đầu kể về câu chuyện “Tây Nguyên tiến” của mình. Ông sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Năm 1979, ông đi bộ đội. Năm 1988, sau khi xuất ngũ, ông theo người chị gái rời quê hương lên Tây Nguyên tìm cơ hội lập nghiệp. Đến vùng đất Ia O, thấy đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, ông cho rằng đây chính là cơ hội đổi đời. Năm 1990, ông gặp gỡ và quyết định thành gia thất với một thôn nữ Jrai. Sau khi ở nhà vợ được 1 năm, vợ chồng được cha mẹ cho ra riêng với số vốn lận lưng là gần 6 ha rẫy.
Ông Hụy cho xem những giấy khen về thành tích mà mình đạt được trong thời gian qua. Ảnh: N.S
Ông Hụy cho xem những giấy khen về thành tích mà mình đạt được trong thời gian qua. Ảnh: N.S
Thời điểm này, toàn bộ diện tích đất trên chỉ trồng bời lời, điều, cà phê nhưng vì không được chăm sóc bài bản, thiếu vốn và khoa học kỹ thuật nên mỗi năm cho nguồn thu chẳng được bao nhiêu. Trong quá trình canh tác, ông Hụy nhận thấy điều là cây cho thu nhập ổn định nhất, nhàn công và tốn ít chi phí đầu tư nhất so với những loại cây còn lại. Thấy giá cà phê liên tục lao dốc, ông Hụy quyết tâm từng bước thay thế cà phê, bời lời bằng những cây điều chuẩn, năng suất cao. Để làm được điều này, ông đã tìm đến cơ quan chuyên môn tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc điều bằng phương pháp mới. Trên 4 ha đất còn lại (đất nhà ông bị ngập sau khi nhà máy thủy điện mọc lên), từ năm 2006, ông từng bước trồng điều cho đến khi cả khu rẫy được phủ hoàn toàn bằng loại cây này. Nhiều người trong làng tỏ ra nghi ngại, nhưng đến giai đoạn thu hoạch, bà con trong làng mới tin vào việc làm của ông khi mà thu nhập của họ tối đa chỉ đạt 40 triệu đồng/ha/năm, còn của nhà ông thì lên đến 100 triệu đồng/ha/năm.
Đụng đâu cũng... ra tiền
Không những nắm vững kỹ thuật canh tác điều, ông Hụy còn đem cây giống hỗ trợ các hộ dân trong làng và hướng dẫn họ canh tác theo đúng quy chuẩn. Là một trong 10 hộ dân được ông Hụy hỗ trợ cây giống cũng như kỹ thuật canh tác, ông Rơ Châm Glel (làng Dăng) cho biết, trước đây, gia đình ông trồng cà phê và bời lời. Do không nắm vững kỹ thuật canh tác, giá cả lên xuống thất thường nên thu nhập rất bấp bênh. “Cách đây 7 năm, gia đình mình được ông Hụy cho cây điều giống và hướng dẫn cách trồng xen canh trong vườn cà phê. Đến nay, gia đình đã có hơn 1 ha điều với thu nhập ổn định hơn 70 triệu đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước nên mình rất phấn khởi”-ông Glel kể.
 Ngoài nguồn thu từ vườn điều và cơ sở xay xát, mỗi năm ông Hụy thu thêm hơn 100 triệu đồng từ đàn heo địa phương lai heo rừng. Ảnh: N.S
Ngoài nguồn thu từ vườn điều và cơ sở xay xát, mỗi năm ông Hụy thu thêm hơn 100 triệu đồng từ đàn heo địa phương lai heo rừng. Ảnh: N.S
Ngoài trồng điều, ông Hụy còn mở cơ sở xay xát, nhờ mát tay nên việc làm không xuể. Theo ông, thu nhập từ khâu này thừa sức chi tiêu ăn uống cho cả nhà cũng như việc học hành của con cái. Phần cám bã ông không để lãng phí mà dùng làm thức ăn cho giống heo địa phương lai heo rừng, gà bản địa, chim bồ câu thả rông dưới tán điều. Đàn vật nuôi rất khỏe, chóng lớn mà công chăm sóc lại ít, tận dụng được thức ăn rẻ tiền nên mỗi năm ông cũng bỏ ống thêm được hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi. “Mình không phải tìm người mua, dân phố cứ tấp nập kéo lên bắt, cân ký và giao tiền tươi thóc thật tại nhà”-ông Hụy phấn khởi nói.
Nhận xét về ông Hụy, ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: Ông Hụy là cựu chiến binh năng nổ, nhiệt tình, thường giúp đỡ người nghèo trong xã. Ông cần cù, siêng năng, sản xuất giỏi nên được vinh dự đại diện cho xã đi dự Đại hội Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh. Vườn điều nhà ông cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, lúc cao điểm lên đến 20 người. “Nhưng tài sản quý giá nhất của ông Hụy là 3 người con trai, tất cả đều chăm ngoan, học hành giỏi giang. Cụ thể, 1 người là công an và 1 người là công chức ở TP. Hồ Chí Minh, người còn lại công tác tại Công an huyện Ia Grai. Người ta nói ông Hụy là người giàu nhất ở xã này là vậy”-ông Nghiệp ví von.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm