TN - Đất & Người

Viện 211-Những "chuyến bè bão táp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) đã trở thành địa chỉ tin cậy của bao bệnh nhân trên toàn khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, ít người biết về thuở “hàn vi” của đơn vị khi vừa thành lập để vào chiến trường miền Nam phục vụ.

Nhắc lại hơi thừa, vì nhiều người đã biết, nhưng cũng xin nhắc qua một tí về cái tên, cái phiên hiệu 211 cho đủ “cấu trúc” bài viết. Ấy là khi có quyết định điều một số cán bộ, nhân viên của 2 viện 103 và 108 vào Nam, hợp thành một đơn vị mới. Do vậy 211 là số cộng từ 103 với 108 mà thành.

 

Các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 diễn tập sơ cấp cứu. Ảnh: Đức Thụy
Các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 diễn tập sơ cấp cứu. Ảnh: Đức Thụy

“Đại bản doanh” của Viện 211 lúc bấy giờ thuộc quanh khu vực các huyện Đức Cơ, Ia Grai (Gia Lai) và Ia H’Drai, Sa Thầy (Kon Tum). Tuy nhiên Viện không ở một chỗ nào được lâu mà luôn phải dựng mới những lán trại tranh tre nứa lá để “chạy bom, chạy càn”. Ở đây xin không nói về bao thiếu thốn gian khổ thời chiến trận ấy, vì ai cũng đã rõ rồi. Chỉ xin kể về sự năng động, sáng tạo của cán bộ, nhân viên Viện 211 trong khó khăn.  

Nhật ký Tây Nguyên ngày ấy của GS-BS Lê Cao Đài-nguyên Viện trưởng Viện 211 thời đánh Mỹ, có những đoạn lý thú về chuyện này: “Nhìn trên bản đồ, con sông Đak Mế chảy ngoằn ngoèo từ nơi ở cũ đến chỗ ở mới cứ ám ảnh tôi. Ở Tây Nguyên, cho tới nay, chưa đơn vị nào khai phá, sử dụng con sông này vào công tác vận chuyển. Mấy tháng trước, khi Bệnh viện di chuyển từ khu A vào khu B ở đoạn trên của con sông, tôi đã đề xuất việc vận chuyển trên sông”.

Tác giả mô tả suối Đak Mế: “Con sông thực ra chỉ là một con suối rộng chừng hơn chục mét, cây cối 2 bên bờ rủ xuống che kín bầu trời. Con sông kẹp giữa 2 vách núi cao, có cảm giác như đang ở dưới đáy một công sự khổng lồ với 2 dãy núi bên trên…”.

Nghĩ là làm, GS-BS Lê Cao Đài cử một tổ khảo sát dọc suối. Khi nghe báo cáo suối không có thác ghềnh, chỉ nhiều cây to đổ vắt ngang, muốn đi dọc phải dọn cây, ông lập ngay đề án vận chuyển đường thủy, báo cáo cấp trên.

Và đây là chuyến đi thử đầu tiên: “Và, chiều ngày 26-10-1970 khởi hành đi chuyến đầu trên sông… Nước chảy cuồn cuộn cuốn bè đi nhanh… 4 bè đi đầu an toàn. Chiếc bè đi cuối do đồng chí Lai đẩy, qua cây gỗ đầu tiên bị ụp… 1 giờ chiều, 4 bè đi đầu đã xuống bến an toàn. Như vậy, quãng đường bình thường đi bộ phải mất 2 ngày thì nay đi bè chỉ mất 5 tiếng, rất nhẹ nhàng…”.

Tiếp theo đó là những “chuyến bè bão táp” kiểu thế này: “Ngày 17-11 chuyển toàn Viện vào khu Đ… Đoàn bè 3 chiếc lên đường… Nước chảy mạnh đẩy bè đi khá nhanh. Mọi người vui vẻ ngồi xổm trên bè nhìn cây cối 2 bên bờ lui vun vút về phía sau. Mới đi được nửa giờ thì gặp một cây gỗ mới chặt được một nửa, còn một nửa thò ra giữa sông, chiếc bè chạm vào cây gỗ, từ từ xoay ngang, rồi lật nghiêng như một chiếc sa đánh cá của đồng bào, hất mọi người trên bè cùng với đồ đạc xuống nước… Mọi người lóp ngóp trèo lên cây gỗ… Trong khi lúi húi vớt đồ đạc thì chiếc thứ 2 lao vù vù tới. Chúng tôi vẫy tay la hét rối rít để báo cho anh em biết bè đi trước gặp nạn. Lái bè luống cuống đẩy bè vào bờ, nhưng cái bè đã xoay ngang úp sấp, lật 2 anh lái xuống nước, rồi không hiểu sao bè lại lật ngửa lên lại được! Chiếc bè thứ 3 vun vút lao tới. Giống như 2 bè đầu, chiếc bè xoay ngang rồi lật nghiêng, các bao tải trên bè rơi xuống sông trôi lềnh bềnh”.

Vì quá nguy hiểm như vậy nên cấp trên lệnh đình chỉ việc vận chuyển trên sông Đak Mế. Tuy nhiên, thực tế chiến trường đang cồn lên trong tâm trí GS-BS Lê Cao Đài một nỗi lo lắng và sốt ruột cho việc cứu chữa thương-bệnh binh của đơn vị. “Sau khi Khoa 32 thay cho Đội Điều trị 3, có tin báo về cho chúng tôi biết công việc đang rất bê bối, thương binh ứ đọng nhiều, khoa xin lực lượng chi viện, đặc biệt xin chuyển bớt thương binh về Viện… Rõ ràng không thể để tình hình kéo dài. Phải cấp tốc chuyển bớt thương-bệnh binh về Viện. Nhưng lấy đâu ra lực lượng vận chuyển?… Tôi lại nghĩ đến con sông Đak Mế đang chảy ào ào sát đó”.

Một lần nữa, suối Đak Mế lại trở lại trong “tư duy chiến lược” của vị Viện trưởng đầy tâm huyết và trách nhiệm. Ông lại ra sức thuyết phục cấp trên cho tiếp tục dùng con suối này làm đường thủy vận: “Về tới nhà, nhận được tin mừng: Việc chuyển thương bằng bè từ Khoa 32 về Viện đã được thực hiện… Chuyến bè đầu tiên gồm 5 chiếc chở 60 thương-bệnh binh đã về tới Viện an toàn. Anh em rất phấn khởi vì đi rất êm, ngồi bè thật thoải mái, chỉ mất 2 ngày là về đến Viện…”.

Những lược trích trên đây chưa thể cho thấy hết sự gian truân của con đường “thủy vận” Đak Mế. Tuy nhiên, nhờ vậy bạn đọc cũng “phát hiện” thêm một sự kiện độc đáo trên đất Tây Nguyên thời trận mạc; thêm khâm phục tài trí và tâm lực của một thế hệ tiền bối trong công cuộc kháng chiến cứu nước trước đây.

Suối Đak Mế ngày nay chắc vẫn lặng lẽ trôi đâu đó nơi miền biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, lặng lẽ vòng quanh các buôn làng thanh bình của bà con sở tại. Có lẽ 2 bên bờ “con đường thủy vận” năm xưa cũng không còn cảnh tiêu sơ như những trang viết cũ, mà đã xanh um mướt mát những ruộng rẫy trù phú. Và, nếu có dịp gặp lại, ít ai biết rằng cách đây nửa thế kỷ, trong chiến tranh đánh Mỹ, đây là “con đường thủy vận” độc đáo có một không 2, góp phần tạo nên những thành tích to lớn của Viện 211 ngay từ thuở “hàn vi” và đi đến sự ổn định, khang trang to đẹp bây giờ.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm