Pháp luật

Tin tức

Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku lách luật?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku lách luật? ảnh 1
 
Để góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP làm căn cứ giúp các hộ gia đình khó khăn được tiếp cận vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa bàn hành chính cấp xã do UBND cấp xã quyết định thành lập. Về chuyên môn, quá trình hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn.

Từ quy định trên, ngày 16-8-2006, tổ dân phố 16, phường Hội Phú-TP. Pleiku (nay là tổ dân phố 16, phường Phù Đổng-TP. Pleiku) tiến hành họp và thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để làm thủ tục cho các hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn của chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai. Tổ tiết kiệm và vay vốn ban đầu có 16 thành viên và bầu bà Phan Thị Ánh Nguyệt (tổ dân phố 16, phường Phù Đổng-TP. Pleiku) làm Tổ trưởng. Đến ngày 26-12-2008, sau nhiều lần bổ sung thì Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổng cộng 64 thành viên.

Ngày 22-8-2006, Ngân hàng Chính sách Xã hội ký hợp đồng ủy nhiệm với bà Phan Thị Ánh Nguyệt thu hồi tiền lãi từ các tổ viên để đem nộp cho Ngân hàng, đồng thời, bà Nguyệt được hưởng phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền thu hồi được. Đối với các tổ viên vay vốn, có trách nhiệm trả lãi hàng tháng hoặc hàng quý cho Ngân hàng thông qua bà Nguyệt. Riêng số tiền gốc, Ngân hàng không quy định tổ viên phải trả dần mà có thể trả một lúc.

Trong quá trình thực hiện sự ủy nhiệm, lợi dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội thiếu kiểm tra, đối chiếu thường xuyên các tổ viên nộp tiền lãi và tiền gốc nên từ năm 2006 đến tháng 5-2009, bà Phan Thị Ánh Nguyệt đã chiếm dụng 70.215.700 đồng (trong đó tiền gốc là 58,299 triệu đồng) để tiêu xài cá nhân.

Sau khi phát hiện sự việc, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chấp nhận cho bà Phan Thị Ánh Nguyệt làm “Giấy cam kết trả nợ tiền chiếm dụng” (hiện nay bà Nguyệt đã bồi thường xong toàn bộ số tiền chiếm dụng). Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng báo cáo toàn bộ sự việc đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an TP. Pleiku. Ngày 7-9-2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thị Ánh Nguyệt về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 1-4-2011, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku hoàn tất cáo trạng chờ ngày truy tố Phan Thị Ánh Nguyệt ra tòa. Tuy nhiên, đến ngày 20-7-2011, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự với nội dung: “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”!

Trong sự việc trên, về mặt tố tụng hình sự nếu như không có “Giấy cam kết trả nợ tiền chiếm dụng” giữa bà Phan Thị Ánh Nguyệt với Ngân hàng Chính sách Xã hội thì rõ ràng bà Nguyệt đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hơn nữa, Cơ quan Điều tra vẫn chưa chứng minh được bà Nguyệt sử dụng số tiền thu được của một số tổ viên vào mục đích bất hợp pháp và bà Nguyệt cũng không bỏ trốn khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm. Điều này đồng nghĩa với việc “nhờ” vào “Giấy cam kết trả nợ tiền chiếm dụng” bà Phan Thị Ánh Nguyệt… thoát tội. Hay nói cách khác, hành vi phạm tội của bà Phan Thị Ánh Nguyệt đã chấm dứt. Và, lẽ ra Cơ quan Điều tra Công an TP. Pleiku hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku phải hướng dẫn Ngân hàng Chính sách Xã hội khởi kiện ra Tòa án bằng một vụ kiện dân sự nhưng đằng này lại truy tố bà Phan Thị Ánh Nguyệt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Về mặt pháp lý, trong trường hợp này Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku phải ra quyết định đình chỉ vụ án nhưng lại “lách luật” để… không bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” đã làm cho bà Phan Thị Ánh Nguyệt có một tiền sự trong lý lịch tư pháp.
 
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm