TN - Đất & Người

Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân Kon Tum ứng phó động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đoàn chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu đã tới các xã vùng động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum để tư vấn cho bà con cách ứng phó với những tình huống cụ thể ở miền núi khi động đất.
Nhà người dân vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông thường nằm ven núi.

Nhà người dân vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông thường nằm ven núi.

Ngày 3/8, UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục tới các xã vùng động đất huyện Kon Plông để thông tin, tư vấn cho bà con cách ứng phó động đất.

Theo đó, đoàn có 4 chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu, 1 cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Đoàn Viện Vật lý địa cầu đến các xã vùng tâm chấn huyện Kon Plông, gồm xã Đăk Ring, Đăk Nên, Đăk Tăng và Măng Bút. Hiện, đoàn cũng có kế hoạch đến xã Măng Cành. Đoàn đã tìm hiểu cách người dân ứng phó những trận động đất, sau đó đưa ra tư vấn, cách làm đúng trong các trường hợp cụ thể; tổ chức trao đổi trực tiếp với bà con để họ hiểu nội dung tài liệu hướng dẫn; trang bị kỹ năng xử lý nếu gặp những trận động đất tiếp theo.

Tiến sĩ Bùi Thị Nhung (thành viên trong đoàn) cho hay: Một số tài liệu hướng dẫn xây dựng cho khu vực đô thị, một số tình huống cụ thể không phù hợp với đồng bào miền núi. Bởi vậy đoàn đi sâu các tình huống cụ thể tại địa phương bà con vùng núi hay gặp phải để mổ xẻ, giải đáp từng tình huống, như đang trên rẫy cần tránh những sườn núi dốc, khi đang nấu ăn thì cần dập lửa trước khi rời khỏi nhà…

Theo Tiến sĩ Nhung, đoàn chuyên gia cũng làm khảo sát, đến phỏng vấn các gia đình và quan sát tác động của động đất tới công trình, rồi tổng hợp thông tin và vẽ sơ đồ đánh giá tác động động đất. Khi tổng hợp sẽ có báo cáo và đưa ra khuyến cáo cho địa phương.

Theo Tiến sĩ Nhung, khi kết thúc đề tài, sẽ có công bố chính thức về nguyên nhân động đất và đánh giá mức độ tác động dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học.

Đoàn chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân cách ứng phó khi xảy ra động đất. Ảnh: Thiều Vân

Đoàn chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân cách ứng phó khi xảy ra động đất. Ảnh: Thiều Vân

Thời điểm này, đoàn công tác của Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên cũng đã phối hợp cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum khảo sát hiện trường xảy ra động đất huyện Kon Plông. Đoàn đã hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng động đất gây ra, đồng thời trấn an và nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, chủ động phòng ngừa, ứng phó với động đất cường độ lớn có nguy cơ xảy ra trên khu vực.

Trước đó, dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong hơn một thế kỷ (từ năm 1903 đến 2020), khu vực này chỉ ghi nhận trên 30 trận động đất, trong đó trận mạnh nhất 3.9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận hàng trăm trận động đất trong hơn 3 năm qua.

Trận động đất trưa 28/7 với độ lớn 5.0 độ, gây rung chấn mạnh, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung lắc. Trong thời gian từ 28/7 đến nay, cả trăm trận động đất xảy ra ở khu vực này, bao gồm các tiền chấn và dư chấn sau động đất chính.

Có thể bạn quan tâm