Kinh tế

Việt Nam chiếm 69% sản lượng điện mặt trời và điện gió của ASEAN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo báo cáo của Ember, một tổ chức tư vấn năng lượng phi lợi nhuận và độc lập, có trụ sở ở Anh, năm 2022, Việt Nam chiếm tới 69% sản lượng điện mặt trời và điện gió của toàn khu vực ASEAN.

Báo cáo của Ember, công bố hôm 16-11, ghi nhận tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió của ASEAN tăng từ mức chỉ 4,2 TWh trong năm 2015 lên hơn 50 TWh (1 TWh = 1tỷ kWh) năm 2022, phần lớn là nhờ chính sách khuyến khích triển khai năng lượng tái tạo của các chính phủ trong khu vực.

ASEAN có tiềm năng to lớn để phát triển điện gió và điện mặt trời

ASEAN có tiềm năng to lớn để phát triển điện gió và điện mặt trời

Việt Nam là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN trong những năm qua, chiếm 69% tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió của khu vực năm 2022.

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã đưa ra biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT-biểu giá điện hỗ trợ công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, 6,67-10,87 cent cho 1kWh). Đây được xem là kế hoạch hiệu quả, khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Chính phủ cũng có khoản miễn trừ thuê đất, miễn thuế cho thiết bị liên quan, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của điện tái tạo, so với các loại năng lượng truyền thống.

Tuy nhiên, FIT bị loại bỏ dần từ năm 2021 đến năm 2022 và điều đó là yếu tố chính dẫn đến sự chậm lại chung của tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời trong khu vực. Theo Ember, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời, điện gió gió của khối chỉ còn 15%, so với mức trung bình hàng năm là 43% kể từ 2015.

Dù vậy, tính chung sản lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió vẫn chiếm 13% tổng sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2022-mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Ember cũng dự báo, sản lượng điện sạch ở ASEAN tăng trưởng tích cực trở lại vào năm 2023. Điều này là nhờ các dự án điện mặt trời lớn được đưa vào vận hành, bao gồm nhà máy điện mặt trời nổi 192 MW của Indonesia bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 11. Trong khi đó, Thái Lan triển khai cơ chế FIT cho năng lượng tái tạo hồi năm ngoái. Việt Nam cũng đang đề xuất cơ chế đấu giá để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện hơn 99% tiềm năng điện gió, điện mặt trời của ASEAN chưa được khai thác.

Có thể bạn quan tâm