Đó là nhận định của ông Bill Stoops, chuyên gia đầu tư trưởng của Quỹ tài chính Dragon Capital, trên sóng kênh CNBC trong tuần này.
Một cửa hàng của hãng Apple ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: REUTERS |
Nguyên nhân do vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển hướng sang Việt Nam để tránh áp lực chi phí gia tăng mà cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung tạo ra. "Kể cả Trung Quốc cũng có thể bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhiều hơn" - ông Stoops nói.
Cũng theo chuyên gia này, tuy có thặng dư thương mại 40 tỉ USD so với Mỹ song Việt Nam ít có khả năng trở thành mục tiêu của cuộc chiến thương mại, bởi hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chưa nhiều bằng các nước khác. Thêm vào đó, ông Stoops nhận xét ngoài việc tiền "đồng" có "nền tảng vĩ mô rất vững vàng", Việt Nam còn có dự trữ ngoại hối "đáng kể" và được đánh giá tốt về mặt lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra/vào đất nước.
Nhận định "Việt Nam có thể hưởng lợi", theo ông Stoops, vẫn đúng trong trường hợp Mỹ - Trung leo thang chiến tranh thương mại. Điều này sắp được chứng minh bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-9 (giờ địa phương) đã ra lệnh cho các trợ lý "đi tiếp" trong việc đánh thuế 10% hoặc 25% lên thêm khoảng 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thông báo chính thức cho quyết định này còn chờ cân nhắc ý kiến công chúng, theo các nguồn tin. Nếu vòng đánh thuế mới thành hiện thực (cộng với vòng đánh thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc trước đó), theo đài CNN, Mỹ sẽ đánh thuế lên khoảng phân nửa tổng số hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số hai.
Tuy Tổng thống Trump tự tin tuyên bố trên Twitter hôm 14-9 rằng ông "trên cơ" trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh nhưng hãng tin Bloomberg cho rằng ông chủ Nhà Trắng không còn nhiều mục tiêu (hàng hóa) để ra tay mà không vấp phải phản ứng mạnh từ phía các công ty lớn cũng như người tiêu dùng Mỹ.
Tuần trước, "đại gia" Apple phàn nàn vòng áp thuế mới có thể ảnh hưởng một số sản phẩm được ưa chuộng hàng đầu của hãng như Apple Watch, tai nghe AirPods... Các chuỗi bán lẻ WalMart và Target có nguy cơ chứng kiến hàng loạt mặt hàng tiêu dùng bị "quét" đi, từ tivi đến giày dép. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà sụt giảm trước thông tin về vòng áp thuế mới, với cổ phiếu của Apple có thời điểm mất 1,7%.
Người tiêu dùng Mỹ cũng sớm cảm nhận được vị đắng, theo đài CNN, khi mà hàng ngàn loại hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn dưới tác động của vòng đánh thuế mới (nếu xảy ra). Ít nhất phân nửa số lượng nón, nệm, vali, đồ gỗ... - các mặt hàng trong tầm ngắm - ở Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Riêng về vòng áp thuế thứ ba đối với 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đe dọa thời gian qua hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể nào.
Hải Ngọc (NLĐO)