Chính trị

Tin tức

Việt Nam có uy tín rất cao trên trường quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam được chọn là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 cho thấy các bên đều tin tưởng Việt Nam sẽ là một "chủ nhà công bằng".

 
Hà Nội rợp cờ hoa chào đón Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2. Ảnh: KTĐT.
Hà Nội rợp cờ hoa chào đón Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2. Ảnh: KTĐT.




Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi trở thành chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra từ ngày 27-28/2. Việc chọn Việt Nam, mà cụ thể là Hà Nội đã cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng Việt Nam sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên.

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc trường Đại học New South Wales của Australia khẳng định, việc Việt Nam được chọn là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 cho thấy các bên đều tin tưởng Việt Nam sẽ là một “chủ nhà công bằng” và rằng Việt Nam không can thiệp vào kết quả của cuộc gặp nhưng sẽ tạo ra bối cảnh thuận lợi như an ninh tốt và công tác hậu cần tốt. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức hội nghị quốc tế với quy mô lớn vì vậy việc Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò chủ nhà thành công cho Hội nghị lần này.

Không thể phủ nhận vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng và việc được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên còn được giáo sư Carlyle Thayer ví như là một cuộc “bỏ phiếu tín nhiệm”, chứng tỏ sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào “năng lực, vai trò xây dựng của Việt Nam trong vấn đề an ninh và hòa bình của khu vực và thế giới”.

Ông Carlyle Thayer nói: “Năm sau Việt Nam sẽ là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và là chủ tịch của ASEAN. Bản thân ASEAN luôn muốn đóng góp và hỗ trợ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chọn gặp nhau ở Việt Nam trước khi các bạn làm chủ tịch ASEAN cũng là sự gửi gắm vào ASEAN và Việt Nam với mong muốn ASEAN và Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.


 

Giáo sư Carlyle Thayer. Ảnh: Getty.
Giáo sư Carlyle Thayer. Ảnh: Getty.


Tiến sỹ Euan Graham, Giám đốc điều hành Chương trình Châu Á thuộc đại học La Trope lại có góc nhìn khác khi cho rằng, việc cùng nhìn thấy những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau khi thống nhất đất nước, thực thi chính sách đối ngoại cân bằng, rộng mở thì sẽ tạo thêm động lực để hai bên có thêm những bước đi mạnh dạn hơn.

Tiến sỹ Euan Graham nói: “Tôi cho rằng, sự lựa chọn Việt Nam mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Việt Nam có quan hệ ngoại giao đối với cả hai nước. Với Mỹ thì là quan hệ gần đây còn với Triều Tiên thì từ những năm 1950, 1960 nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí minh cũng đã đến Bình Nhưỡng. Vì thế Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhưng quan trọng hơn, tôi cho rằng việc chọn Việt Nam vẫn mang ý nghĩa tượng trưng vì đây là đất nước đã từng chia cắt và nay có nhiều đổi thay sau khi đất nước thống nhất.”

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thứ hai đang dần hoàn tất những khâu cuối cùng. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều đã sẵn sàng chào đón các vị khách quý với mong muốn sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp các bên có tâm thế thoái mái để có những ngày làm việc hiệu quả, đáng nhớ tại Việt Nam.

Việt Nga/VOV-Sydney

Có thể bạn quan tâm