Du lịch

Hành trang lữ hành

Việt Nam đón hơn 3 triệu khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã đạt mức 98,5% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố chính thức sáng 29.2, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam tăng tốc đón khách quốc tế

Việt Nam tăng tốc đón khách quốc tế

Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 3 triệu lượt du khách ngoại, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,5% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Cũng theo thống kê, trong tổng số hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm 84,2%, gấp 1,6 lần cùng kỳ 2023; đường bộ chiếm 12,8%; đường biển chiếm 3%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; du lịch lữ hành ước đạt 9.000 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Hà Nam tăng 88%; Đà Nẵng tăng 86,3%; Hà Nội tăng 49,8%; TP.HCM tăng 23%; Quảng Ninh tăng 21,5%; Cần Thơ tăng 9%; Hải Phòng tăng 4%...

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong điều kiện lý tưởng nhất, nếu đạt con số 18 triệu, ngành du lịch xem như phục hồi hoàn toàn, trở lại mức kỷ lục của năm 2019.

Dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), trong năm 2024 hoạt động du lịch có thể phục hồi ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia đánh giá nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đòi hỏi ngành du lịch phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch... Đồng thời tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch...

Có thể bạn quan tâm