Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Việt Nam đón nhận chiếc ghế tại HĐ Bảo an: Thời cơ chín muồi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam có thể trở thành thành viên tích cực ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhờ nỗ lực cải cách kinh tế, chính trị và xúc tiến ngoại giao đa phương.

Để chuẩn bị đảm nhiệm sứ mệnh là một ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2012, Việt Nam cần phải trở thành đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cũng như sử dụng nguồn nhân lực, vật lực một cách hiệu quả.

Đây là chia sẻ của Đại sứ Bùi Thế Giang, Nguyên Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong cuộc hội thảo “Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020-2021” diễn ra ngày 30-3.

 

Đại sứ Bùi Thế Giang (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự hội thảo.
Đại sứ Bùi Thế Giang (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự hội thảo.

Thách thức...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an là vào năm 2008-2009, từ đó đến nay đã 10 năm trôi qua và hiện tại có rất nhiều thách thức mà các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải đối mặt.

Phát biểu tại hội thảo, bà Shamala Kandiah Thompson, Phó Giám đốc điều hành, tổ chức báo cáo Hội đồng Bảo an cho biết, trước hết đó là thách thức truyền thống đối với một ủy viên không thường trực.  Giai đoạn nhiệm kỳ 2 năm tương đối ngắn để một quốc gia tạo được dấu ấn của mình tại Hội đồng Bảo an. Bởi với nhiều thành viên mới, năm đầu tiên là năm học hỏi kinh nghiệm và sang đến năm thứ hai khi đã có kinh nghiệm trong giải quyết và ứng phó với các vấn đề thì lại là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ.

Tiếp đến là khối lượng công việc vô cùng lớn tại Hội đồng Bảo an. Các nước mới đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực cần phải làm quen với quy định, cam kết và phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an, giúp triển khai những kế hoạch đóng góp hòa bình an ninh, giải quyết các điểm nóng xung đột.

Cuối cùng là sự khác biệt chính trị giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong cách thức giải quyết xung đột tại Syria hay Ukraine hay vấn đề Triều Tiên. Những thách thức này đòi hỏi các nước thành viên phải tích cực đưa ra quan điểm và những sáng kiến thiết thực, để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, cũng như cân bằng lợi ích của các bên liên quan.

 

Phiên thảo luận sôi nổi tại Hội thảo.
Phiên thảo luận sôi nổi tại Hội thảo.

Kỳ vọng...

Trên thực tế, Việt Nam từng có kinh nghiệm trong việc ứng phó với những thách thức của Hội đồng Bảo an. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2008-2009, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực như đưa ra sáng kiến bảo vệ trẻ em và phụ nữ tại các khu vực xung đột, thúc đẩy Nghị quyết 1889, yêu cầu các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực cần có các biện pháp để mở rộng việc tham gia của phụ nữ vào tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình, đặc biệt là tham gia vào giải quyết xung đột cũng như tái thiết sau xung đột.

Tuy nhiên từ giai đoạn 2008 đến nay đã có rất nhiều sự thay đổi. Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng, so với thời gian trước, cách làm việc đa phương bây giờ đã chuyển biến rất nhiều, vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam đã khác biệt rất nhiều. Quan hệ quốc tế của Việt Nam đang rộng mở, trong đó xây dựng được những cột mốc mới trong quan hệ đa phương và song phương, tuy nhiên mặt hạn chế vẫn là năng lực cụ thể của từng cá nhân, vẫn thiếu về nhân lực và vật lực.

Để đảm nhiệm vị trí ủy viên không chính thức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó có việc tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề, tinh gọn bộ máy nhân sự, rõ người rõ việc. Ngoài phát huy thế mạnh đã đạt được, Việt Nam, cũng cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn bè, đặc biệt là Thụy Điển, Indonesia, Australia.  

Liên quan đến vấn đề này, ông Riamdo Sembiring, Phó Vụ trưởng, Vụ An ninh Quốc tế và Giải trừ quân bị, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, cũng như Việt Nam, Indonesia đang chuẩn bị ứng cử chiếc ghế của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2019-2020, hiện tại nước này đang trong quá trình vận động tranh cử. Với vai trò là đối tác của Việt Nam tổ chức ASEAN, Indonesia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cả về mặt ngoại giao lẫn xây dựng đội ngũ nhân sự và phương hướng, cách thức triển khai các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, ông Riando Sembiring khẳng định: “Indonesia luôn ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong thời gian tới Indonesia hy vọng có thể hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực triển khai lực lượng hòa bình, nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh trên thế giới”.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm thực tiễn cùcùng những nỗ lực cải cách kinh tế, chính trị và xúc tiến ngoại giao đa phương thời gian qua, tin tưởng Việt Nam có thể đảm nhiệm tốt vị trí Ủy viên không thường trực giai đoạn 2019-2020. Việc có được chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói tại các diễn đàn đa phương và song phương, vì vậy theo Đại sứ Bùi Thế Giang, Việt Nam cần phải nhanh tay nắm bắt lấy cơ hội này.

Hồng Anh/VOV

Có thể bạn quan tâm