Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, bởi những khẳng định về chủ quyền của Việt Nam là chính nghĩa, có cơ sở pháp lý, được luật pháp quốc tế công nhận và lịch sử để lại.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan (trái ảnh) và nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: Nhật Hạ |
Lên án hành vi tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc
Chia sẻ với báo giới mới đây về việc trong lúc Việt Nam, Trung Quốc và cả thế giới đang gồng mình để chống COVID-19, Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh để thông báo thành lập cái gọi là quận Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử, Bộ Ngoại giao - nhận định, Trung Quốc đã chủ ý toan tính lợi dụng bối cảnh để có những hành động nhằm đòi hỏi yêu sách phi lý.
Ông cho rằng, có 2 yếu tố dẫn tới quyết định trên của Trung Quốc. Trước tiên, Trung Quốc “yếu về mặt chính nghĩa nên hành động vào thời điểm thế giới đang bận nên ít chú ý. Phản ứng của thế giới cũng như phản ứng của Việt Nam sẽ khó hơn, phức tạp hơn”. Ngoài ra, theo ông, một yếu tố khác mà các nhà nghiên cứu về Trung Quốc nhận thấy mang tính quy luật là khi nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp, Trung Quốc sẽ chuyển hướng sự chú ý ra bên ngoài. “Tôi cho rằng hiện nay nội bộ của Trung Quốc phức tạp, trước hết phức tạp liên quan đến dịch COVID-19” - ông nói.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, động thái của Trung Quốc về Biển Đông rất đáng lên án. “Từ xưa đến nay, hành động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông là rất đáng lên án bởi họ quyết tâm thực hiện đường lưỡi bò, hiện thực hoá đường lưỡi bò bằng mọi cách, bằng mọi giá” - ông nhấn mạnh.
Bàn về tình hình Biển Đông, ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông. Những khẳng định về chủ quyền của chúng ta dựa trên cơ sở pháp lý, được luật pháp quốc tế công nhận và lịch sử để lại. Do đó, chúng ta càng quyết tâm bảo vệ”.
Ông Nguyễn Dy Niên lưu ý, quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam không phải nói suông, nhưng đồng thời Việt Nam cũng muốn tình hình dịu đi, bớt căng thẳng để có hòa bình, tạo điều kiện cho phát triển. “Việt Nam phải có những động thái nhưng không để xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ và không để xảy ra nổ súng. Nhưng về vấn đề chủ quyền, chúng ta không bao giờ thương lượng” - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Việt Nam kiên trì hòa bình giải quyết tranh chấp
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, trước những động thái của Trung Quốc, Việt Nam trước tiên cần phải lên án Trung Quốc bởi “khi kẻ cướp đến nhà mình phải lên tiếng thì người khác mới giúp đỡ, ủng hộ mình”.
Để làm tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ông cho rằng, có nhiều biện pháp Việt Nam cần thực hiện. Biện pháp đầu tiên của Việt Nam là các biện pháp hòa bình qua đàm phán với Trung Quốc, phản ứng bằng mọi kênh qua Liên Hợp Quốc, các hội nghị quốc tế… Ngoài ra, “điều rất quan trọng”, theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, là Việt Nam cần “tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới”, trước hết từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước có quan hệ tốt với Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phối hợp với các nước ASEAN khác có cùng lợi ích để thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông.
Thêm vào đó, chuyên gia kỳ cựu cho rằng, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cần thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). “COC chính là bộ luật để ràng buộc hành động phi pháp của Trung Quốc. Nhưng năm nay là thời cơ khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN nên phấn đấu đưa COC vào ký kết được thì rất tốt” - ông nói và lưu ý, dĩ nhiên quá trình đàm phán sẽ rất khó khăn. Ông cho rằng, có nhiều biện pháp khác mà Việt Nam có thể triển khai như động viên nhân dân cả nước phối hợp, tăng cường lực lượng cho lực lượng kiểm ngư, lực lượng bảo vệ bờ biển...
https://laodong.vn/the-gioi/viet-nam-khang-dinh-va-quyet-tam-bao-ve-chu-quyen-o-bien-dong-803500.ldo
Theo Thanh Hà (LĐO)