Chính trị

Tin tức

Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 1-10, ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67, đã có bài phát biểu quan trọng tại trụ sở của tổ chức này ở thành phố New York, Mỹ, trước sự chứng kiến của đông đảo các trưởng đoàn, đại diện cho 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
 

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Sau khi đánh giá cao những thành công của Đại hội đồng khóa 66, ông Phạm Quang Vinh hoan nghênh chủ đề của Phiên thảo luận chung cấp cao năm nay là “Cải thiện tình hình hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”, khi mà tình trạng bất ổn, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhất là ở Trung Đông-Bắc Phi, hay cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine với Israel, tiến trình giải trừ quân bị hạt nhân chưa đạt được tiến triển mới, hay những tranh chấp phức tạp mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Phạm Quang Vinh cho biết Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc tuân thủ và phát huy vai trò của luật pháp quốc tế, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp và không sử dụng vũ lực, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Theo ông, luật pháp quốc tế là thành quả trí tuệ của thế giới văn minh, mà tất cả các nước trên thế giới đều phải tôn trọng và tuân thủ một cách có trách nhiệm. Khi luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc, nguy cơ xung đột sẽ giảm, nền hòa bình vững chắc sẽ được bảo đảm hơn. Mặt khác, chúng ta không chấp nhận các biện pháp cấm vận, áp đặt như đối với Cuba mà chính Đại hội đồng này đã nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ.

Ông Phạm Quang Vinh cho biết Việt Nam ủng hộ kết quả quan trọng của Phiên họp Cấp cao về Pháp quyền vừa được tổ chức, trong đó nhấn mạnh pháp quyền là khuôn khổ cơ bản cho đối thoại chính trị và hợp tác của các quốc gia, là nền tảng không thể thiếu của một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Việc tuân thủ luật pháp quốc tế là cơ sở bền vững cho các chính sách và hành động của mỗi quốc gia cũng như hành động chung của cộng đồng quốc tế. Cuối năm nay chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 30 năm ngày mở ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là dịp để Việt Nam tái khẳng định các cam kết và việc nghiêm túc tuân thủ bản “Hiến pháp biển” quan trọng này, tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hợp tác trên biển.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, Việt Nam mong đợi Liên hợp quốc tiếp tục phát huy những kinh nghiệm của mình và thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và đối thoại giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và ngăn ngừa sự bùng phát của các xung đột mới. Việt Nam cũng mong muốn Liên hợp quốc đóng vai trò tích cực hơn nữa để thúc đẩy giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, đồng thời, đảm bảo hợp tác quốc tế và tôn trọng quyền của các quốc gia được sử dụng khoa học, công nghệ liên quan vì mục đích hòa bình.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là thành viên, đang ngày càng phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực và đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có an ninh hàng hải ở Biển Đông. Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố Sáu nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Theo ông Phạm Quang Vinh, trong suốt chặng đường 35 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, và thịnh vượng chung của các dân tộc.

Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, và đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để ứng phó hữu hiệu với tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phát huy quyền làm chủ của người dân, bảo đảm quyền của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định với chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ…, cũng như nỗ lực tham gia hợp tác đa phương giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh hạt nhân, giải trừ và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm