Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Việt Nam nêu đề xuất về An ninh Lương thực tại Phiên họp của FAO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới thực phẩm ở Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến đổi mới và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.
Đại sứ Dương Hải Hưng phát biểu tại phiên họp toàn thể của FAO. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Đại sứ Dương Hải Hưng phát biểu tại phiên họp toàn thể của FAO. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/7, tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp lần thứ 43 Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ở thủ đô Rome, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO, kiêm Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ họp năm nay, đã có bài phát biểu quan trọng, nêu những đề xuất của Việt Nam nhằm thực hiện chương trình Chuyển đổi Hệ thống Lương thực, góp phần đảm bảo An ninh Lương thực.

Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh việc đảm bảo đủ lương thực ngày càng trở thành một thách thức, đặc biệt đối với hàng trăm triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Để cùng tìm ra các giải pháp dài hạn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam đề xuất một số ưu tiên để FAO và các đối tác quốc tế xem xét, hỗ trợ các quốc gia thành viên.

Thứ nhất, hỗ trợ các nước thực hiện Khung Chương trình Quốc gia và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp-lương thực theo hướng thích ứng, toàn diện và bền vững.

Cần tập trung vào các cách thức sáng tạo để cải thiện sự tham gia và lợi ích của các nông hộ quy mô nhỏ trong chuỗi giá trị nông sản, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hậu cần, vận chuyển và kiểm soát chất lượng, phát triển các loại mô hình quan hệ đối tác công-tư (PPP) đa dạng để thu hút đầu tư tư nhân vào chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Việt Nam mong muốn hợp tác với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy thương mại nông sản làm cơ sở nền tảng cho an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh và kỹ thuật số việc hỗ trợ tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển là rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực đa giá trị hơn, bền vững hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới thực phẩm ở Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến đổi mới, toàn diện, kỹ thuật số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy sự phối hợp và chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nước, bao gồm tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển và hợp tác Nam-Nam.

Tăng cường hợp tác, hỗ trợ tích cực thực hiện Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai để hợp tác xây dựng hệ thống phòng chống thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu với thiên tai, đặc biệt chú trọng quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng và nông thôn bền vững phát triển.

Về những nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Dương Hải Hưng nêu rõ nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ít phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ở nông thôn.

Tháng 3/2023, Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi sang hệ thống lương thực minh bạch, có trách nhiệm giải trình và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030,” với mục tiêu chủ yếu là chuyển đổi hệ thống lương thực từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng một cách minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế của địa phương, góp phần thực hiện các các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Việt Nam và thế giới.

Quang cảnh phiên họp toàn thể của FAO chiều 5/7. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp toàn thể của FAO chiều 5/7. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Hệ thống lương thực của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành và đa mục tiêu, bao gồm: tiếp tục chuyển đổi thành một nhà cung cấp lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu; thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; cung cấp sinh kế bền vững đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhất là cho những người nghèo và dễ bị tổn thương.

Năm 2021, giá hàng hóa tăng nhanh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá năng lượng cao hơn đã ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực.

Việc giá lương thực tăng cao hơn trong năm 2022 khiến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu cũng gia tăng, với hơn 250 triệu người bị đói.

Đại sứ Dương Hải Hưng dẫn dự báo của FAO cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt được các SDG vào năm 2065 - chậm hơn 35 năm so với mục tiêu, chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, xung đột và khủng hoảng về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, phân bón và tài chính.

Những tác động đó đang đe dọa những thành tựu mà các quốc gia đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm và cũng là những thách thức lớn đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng của 8 tỷ người trên thế giới, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng thế giới.

Có thể bạn quan tâm