Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Việt Nam ở đâu trong ngành công nghiệp điện toán đám mây nghìn tỷ USD?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Điện toán đám mây không chỉ mang đến giá trị hàng nghìn tỷ USD mà còn củng cố vị trí "đế chế" cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Trên thế giới hiện nay, điện toán đám mây đang trở thành cuộc đua "nóng" giữa các tập đoàn công nghệ lớn cũng như các cường quốc lớn trên thế giới. Điện toán đám mây phát triển nhanh chóng và mang đến giá trị hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).

Ví như quý 3/2018, mảng kinh doanh mũi nhọn và đột phá của Microsoft là điện toán đám mây Azure tăng trưởng 76%, đạt doanh thu 29.100 tỷ USD. Amazon quý 3/2018 cũng đạt lợi nhuận kỷ lục 3,7 tỷ USD cao gấp 10 lần năm ngoái, quảng cáo tăng trưởng 122%. Mới đây nhất là Alibaba mở thêm hai trung tâm dữ liệu tại vương quốc Anh, tăng số đơn vị điện toán đám mây lên 52 trung tâm dữ liệu ở 19 khu vực khác nhau trên toàn thế giới...

Điện toán đám mây đang trở thành ngành công nghiệp trị giá cả nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT).
Điện toán đám mây đang trở thành ngành công nghiệp trị giá cả nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT).



Theo đánh giá của Liên minh phần mềm (BSA), điện toán đám mây hiện là một "chiến trường" của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó Amazon Web Services (AWS) của Amazon và Azure của Microsoft là hai dịch vụ lớn nhất.

Vì thế, để các quốc gia, doanh nghiệp tận dụng được lợi ích của điện toán đám mây nhằm tăng trưởng đòi hỏi phải tiếp cận được một mạng lưới mạnh, cho dù hầu hết các nước đang tiếp tục có những biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận băng rộng nhưng hiệu quả thực tế vẫn rất chênh lệch.

Tuy nhiên, theo báo cáo “Thẻ điểm điện toán đám mây toàn cầu 2018” của BSA, Việt Nam hiện đang đứng cùng số ít những nước chưa theo kịp trào lưu quốc tế này ở phía cuối bảng xếp hạng.

 


Thẻ điểm là công cụ giúp các quốc gia tự đánh giá các chính sách của mình theo hướng xây dựng để xác định những bước tiếp theo nhằm tăng cường khả năng chấp nhận công nghệ điện toán đám mây.

Theo ông Tạ Sơn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty phần mềm Rikei, điện toán đám mây cho phép mọi người tiếp cận được những công nghệ mà trước đây chỉ có ở các tổ chức lớn, từ đó mở đường cho việc tăng cường khả năng kết nối, đổi mới, sáng tạo. Những nước cho phép sự dịch chuyển tự do của các luồng dữ liệu, có giải pháp an ninh mạng tối tân, có biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, có cơ sở hạ tầng.

"Điện toán đám mây là nấc cao hơn của việc phân tích dữ liệu. Trong thời buổi công nghệ 4.0, dữ liệu chính là mỏ tài nguyên quý giá nhất. Việt Nam hiện có rất nhiều dữ liệu nhưng chưa được tập trung, quy hoạch để khai phá, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đây là lãng phí rất đáng tiếc", ông Tạ Sơn Tùng cho hay.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT cũng cho rằng, những bài học về chính phủ điện tử trên thế giới đã thúc đẩy Chính phủ phải làm sao nâng cấp và triển khai được trong thời kỳ mới. Chính phủ điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu, phân tích để làm sao đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho việc điều hành của Chính phủ cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.

Theo dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 - 100 tỷ thiết bị IoT, như thiết bị thông minh trong gia đình, ô tô... tạo ra lượng dữ liệu lên điện toán đám mây (cloud) là vô cùng lớn và làm đảo lộn tất cả quy luật về trung tâm dữ liệu, lưu trữ...

Trong hội thảo mới đây tổ chức tại TPHCM về “Hiện thực hoá tiềm năng và khai phá thị trường Internet vạn vật của Việt Nam", Bộ truởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: "IoT sẽ tạo ra nhiều dữ liệu nhất. Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng nhiều mỏ dầu bấy nhiêu. Chúng ta càng khai thác dữ liệu hiệu quả bao nhiêu thì đầu tư cho IoT càng rẻ bấy nhiêu. Bởi vậy, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) là các công nghệ đi kèm với IoT như cặp bài sinh đôi".

Vân Anh (VOV)

Có thể bạn quan tâm