(GLO)- Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là 8 loại tội phạm xuyên quốc gia: khủng bố, buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán người, cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm kinh tế quốc tế.
Tích cực đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra các vụ án xuyên quốc gia... với các nước ASEAN và các đối tác, đối thoại, góp phần chung vào việc đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Kết quả này đã được các nước thành viên ASEAN ghi nhận một cách khách quan tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng-chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 13 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Triệt phá nhiều đường dây buôn bán ma túy và buôn bán người lớn
Những năm qua, tình hình tệ nạn ma túy và xu hướng hoạt động của tội phạm ma túy tại Việt Nam còn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại ma túy tổng hợp mới xâm nhập vào Việt Nam, các chất ma túy tiêu thụ ở Việt Nam chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp (dạng đá), thuốc phiện, cần sa. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Chúng thường lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em, người không có công ăn việc làm, người nghiện tiếp tay hoặc vận chuyển cho chúng và có xu hướng cấu kết với tội phạm hình sự để hình thành đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới.
Khi bị phát hiện, bắt giữ thường sử dụng các loại vũ khí nóng để chống trả rất quyết liệt. Nguồn ma túy chủ yếu vẫn là từ nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến biên giới đường bộ. Còn các tuyến đường không, đường sắt, bưu điện và đường biển đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là các tuyến đi quốc tế.
Các nước thành viên ASEAN đánh giá cao những kết quả về phòng-chống tội phạm xuyên quốc gia của Việt Nam. Ảnh: Đại Thắng |
Từ tháng 1-2012 đến tháng 3-2013, lực lượng Cảnh sát Phòng-chống tội phạm về ma túy Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 19.582 vụ, 29.786 đối tượng phạm tội; trong đó có 29 vụ, 51 đối tượng là người nước ngoài. Thu 390,3 kg heroin, 74,6 kg thuốc phiện, 134,5 kg cần sa khô, 128,9 kg và 335.470 viên ma túy tổng hợp và nhiều phương tiện, tài sản vật chứng có liên quan.
Hiện nay, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nổi lên vẫn là tình trạng các đối tượng trong nước móc nối với các đối tượng các nước trong khu vực để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng thường vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc làm địa bàn trung chuyển đưa ra nước ngoài. Từ tháng 1-2012 đến nay, Cơ quan phòng-chống tội phạm về ma túy Việt Nam đã tiếp nhận và xác minh trả lời 365 dữ liệu thông tin có nghi vấn hoạt động phạm tội ma túy có liên quan đến nước ngoài. Đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp phát hiện, điều tra các hoạt động của các đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, giúp cho công tác điều tra, khám phá nhiều chuyên án đạt hiệu quả.
Trong số các loại tội phạm xuyên quốc gia hiện nay thì tội phạm mua bán người đang có nhiều diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người đã gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự của đất nước. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn quốc đã phát hiện xử lý 528 vụ mua bán người với 914 đối tượng, 1.041 nạn nhân.
Đáng chú ý là tình hình một số đối tượng người Việt cấu kết với người nước ngoài hình thành đường dây đưa phụ nữ tại các tỉnh phía Nam Việt Nam sang Singapore, Thái Lan, Malaysia rồi bán vào các động mại dâm hoặc bắt lao động cưỡng bức. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, Cảnh sát Malaysia đã xử lý 1.465 phụ nữ Việt Nam, giải cứu 233 nạn nhân.
Phần lớn nạn nhân trong các vụ án buôn bán người ra nước ngoài vẫn là phụ nữ và trẻ em. Các nạn nhân bị lừa bán thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học tập, không có việc làm ổn định, trình độ văn hóa thấp, nhiều người bị bán để bóc lột sức lao động, làm vợ, có nhiều trường hợp bị bán vào các nhà chứa để bán dâm. Đáng báo động là tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em nữ đưa ra nước ngoài để hoạt động tình dục vì múc đích thương mại.
Xóa bỏ nhiều băng, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, “rửa tiền”
Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế đa dạng. Đồng thời, có lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho tội phạm rửa tiền hoạt động. Việc Việt Nam thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng là một điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tội phạm nước ngoài muốn rửa tiền tại Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước trao đổi thông tin tài liệu liên quan đến các giao dịch đáng ngờ tại Việt Nam cho các nước ASEAN và các đối tác, đối thoại khi có yêu cầu. Từ năm 2012 đến nay đã tiếp nhận xử lý 650 báo cáo về giao dịch đáng ngờ, trong đó đã tiến hành điều tra 22 vụ, thanh tra 4 vụ.
Cùng với tội phạm rửa tiền, hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với những thủ đoạn tinh vi, đa dạng để lại hậu quả khó lường diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, hoạt động tư vấn, đầu tư tài chính đa cấp, mua bán vàng, ngoại tệ đánh bạc qua internet.
Một số băng nhóm tội phạm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhằm thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo, trộm cắp bằng thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông, đường truyền tốc độ cao. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, hoạt động tội phạm diễn biến phức tạp, số tiền chiếm đoạt thường rất lớn nhưng công tác điều tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong hầu hết các vụ việc xảy ra, khi cơ quan Công an nhận được thông tin thì các đối tượng cầm đầu đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc nơi kinh doanh.
Tăng cường hợp tác quốc tế phòng-chống tội phạm nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn của mỗi nước cũng như của cả khu vực được các nước đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đại Thắng |
Từ năm 2012 đến nay, tình hình an ninh, an toàn mang máy tính tại Việt Nam tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động với nhiều cuộc tấn công, phá hoại, phát tán virut, phần mềm gián điệp, mã độc với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ tấn công tăng nhanh về số lượng, tinh vi về thủ đoạn và ngày càng được tổ chức chặt chẽ nhằm trộm cắp, phá hoại cơ sở dữ liệu, đưa thông tin nhạy cảm trái phép lên mạng internet hoặc gây tê liệt hệ thống.
Trong năm 2012, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổng thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó đã xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án. Trong 3 tháng đầu năm 2013, đã xử lý 17 vụ việc mới, tổ chức xác minh, giải quyết 22 vụ việc, trong đó đã điều tra, khởi tố 2 vụ án, bắt tam giam 34 bị can.
Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam, bọn tội phạm trong nước đã tăng cường móc nối, liên kết với tội phạm quốc tế tiến hành các hoạt động phạm tội lừa đảo ngay trên lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam có xu hướng tăng dần cả về số vụ việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Từ tháng 1-2012 đến 3-2013, toàn lực lượng phát hiện điều tra hơn 8.500 vụ có yếu tố nước ngoài, trong đó chủ yếu là tội phạm buôn lậu.
Dự báo tình hình hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian đến sẽ ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tội phạm trong nước có xu hướng câu kết ngày càng chặt chẽ với nhiều nước khác trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế phòng-chống tội phạm nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn của mỗi nước cũng như của cả khu vực có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đại Thắng