Đảo quốc sư tử từ lâu dẫn đầu các thị trường vốn hóa trong khu vực nhưng các nước khác như Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang bắt đầu cạnh tranh.
Việt Nam của 3 năm trước gần như vô danh trong hệ thống tài chính toàn cầu với vỏn vẹn 10 công ty vốn hóa giá trị 1 tỉ USD, trong khi lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán vào khoảng 100 triệu USD.
Trật tự mới
Tuy nhiên, bức tranh nay đã đổi khác ngoạn mục, đặc biệt là khi TP HCM - trung tâm tài chính của Việt Nam - đang gia tăng sức hút. Hồi năm ngoái, VN-Index của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, với khoảng 47% - trở thành chỉ số tăng mạnh nhất châu Á và đứng thứ 3 trên thế giới. Quy mô Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã tăng 75,2% so với năm ngoái, đạt 115,46 tỉ USD, theo số liệu thống kê hằng năm từ Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE). Số lượng các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD cũng như khối lượng giao dịch hằng ngày đã tăng gấp 3 lần.
Múa lân tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán ở TP HCM Ảnh: REUTERS |
Ông Barry Weisblatt, người đứng đầu Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhận định: "Sự tăng trưởng và ổn định của Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư". Theo chuyên gia này, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường hoạt động mạnh. Sự tăng trưởng bất ngờ của Việt Nam được ông Chua Hak Bin - nhà nghiên cứu kinh tế khu vực của Công ty Maybank Kim Eng (Thái Lan) - ví như nền kinh tế "ngôi sao nhạc rock", là một hiện tượng trong thị trường vốn hóa đang đi lên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong 2 thập kỷ qua, Singapore đã giành vị trí số 1 vững chắc ở khu vực. Đảo quốc này luôn là sự lựa chọn đầu tiên của các công ty ASEAN muốn niêm yết lên sàn chứng khoán vì ở đây tạo cơ hội tốt nhất cho họ tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng mọi thứ dường như đang thay đổi nhanh chóng khi các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan và Philippines tìm cách tranh ngôi vương với Singapore.
Với lượng vốn hóa thị trường đạt 787,28 tỉ USD hồi năm ngoái, Singapore là thị trường chứng khoán lớn thứ 16 ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường Singapore không quá nổi trội so với các nước trong khu vực. Số liệu WFE cho thấy tổng lượng vốn hóa của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) tăng trưởng 13,6% kể từ năm 2016, thấp hơn nhiều so với Hồng Kông với tỉ lệ 37,3%. Tại Đông Nam Á, giá trị vốn hóa của HoSE tăng mạnh nhất với 75,2%, theo sau là Indonesia (22,6%), Philippines (22%), Thái Lan (15,7%) và Malaysia (14,5%). Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), các sàn trong khu vực đã thu hút thành công các doanh nghiệp niêm yết mới, đặc biệt là các công ty trong nước.
Phản công
Tuy nhiên, Singapore cũng không ngồi yên để bị qua mặt. Thị trường chứng khoán nước này vẫn lấn át nhiều thị trường khác trong khu vực và giữ vị thế trung tâm tài chính quốc tế. Ông Robson Lee - một đối tác của hãng luật Gibson Dunn-lưu ý rằng SGX vốn có tiếng tốt hơn về sự minh bạch, quản trị và thực thi luật chứng khoán, cũng như các quy định niêm yết so với nhiều nước châu Á khác. "Nhưng đó không phải cái ngưỡng mà các thị trường chứng khoán châu Á khác không thể vượt qua và giúp SGX thách thức các đối thủ trong thời gian tới. SGX không nên nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình" - ông Lee nhận định.
Trong ngắn hạn, Singapore được cho là sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dù cho toàn cảnh thị trường chứng khoán châu Á rục rịch chuyển đổi. SGX đang đẩy mạnh tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách tập trung vào chứng khoán công nghệ - vốn được nhiều người xem là tương lai của nền kinh tế. Gần đây, SGX đã thông báo các động thái tiến tới cho phép cấu trúc cổ phiếu đa quyền dùng cho các hãng công nghệ lớn như Facebook và Alphabet - công ty mẹ của Google. Theo đánh giá của người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Dealogic - ông Romaine Jackson, bước đi này giúp Singapore có thể thu hút được những doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN chưa niêm yết.
Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà theo dõi thị trường cho rằng tương lai có thể nằm ở hợp tác hơn là cạnh tranh. Trên mặt trận kinh tế, ASEAN đang nỗ lực tiến tới một thị trường chung với dòng chảy tự do của hàng hóa, vốn và con người. Theo nhận định của ông Lee từ Gibson Dunn, phát triển một thị trường chứng khoán toàn ASEAN sẽ là một động thái bền vững hơn. Điều đó có nghĩa là thiết lập một thị trường vốn thống nhất hơn với những luật lệ niêm yết và quy tắc có thể so sánh được ở mỗi nước, cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia trên khắp khu vực. Một thị trường chứng khoán hợp nhất giữa các nước ASEAN sẽ mang lại cho các nhà đầu tư hơn 3.000 doanh nghiệp niêm yết, đặt vị thế vững chắc của ASEAN trên bản đồ toàn cầu.
Xuân Mai - Thu Hằng (NLĐO)