Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Việt Nam tích cục tham gia xây dựng nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 26-9, tại Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bế mạc Khóa họp thường kỳ lần thứ 27 sau 3 tuần làm việc tích cực, sôi nổi, thông qua 32 Nghị quyết/quyết định và 4 Tuyên bố của Chủ tịch.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp này.  

Trong 3 tuần làm việc, với hơn 30 phiên thảo luận chung, 9 phiên thảo luận chuyên đề và các phiên thương lượng không chính thức, Hội đồng Nhân quyền tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thụ hưởng quyền con người mà đa số các nước quan tâm: từ quyền của nhóm yếu thế, đặc biệt là các vấn đề bạo lực đối với trẻ, tử vong của trẻ dưới 5 tuổi, quyền của trẻ em được tham gia các hoạt động giải trí, tử vong của phụ nữ khi sinh; quyền của người bản địa, người gốc Phi; bảo vệ gia đình; đến tác động tiêu cực của các vấn đề phát triển như ô nhiễm môi trường và rác thải, nợ nước ngoài và hoạt động của các quỹ cứu nợ nhằm trục lợi của tư nhân đối với bảo vệ quyền con người, cũng như quan hệ giữa việc sử dụng lính đánh thuê, các phương tiện chiến tranh hiện đại trong các cuộc xung đột hiện nay và việc thực thi các nghĩa vụ, cam kết về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của các quốc gia.

 

Vấn đề Syria luôn thu hút sự quan tâm của Hội đồng Nhân quyền. Trong ảnh là cuộc sống thiếu thốn của người dân Syria ở Raqqa, nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (Nguồn: AFP)

Hội đồng cũng thảo luận và xem xét các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại Syria, Sri Lanka, hỗ trợ kỹ thuật về quyền con người đối với Nam Sudan, Sri Lanka, Campuchia, Yemen, Trung Phi, Sudan, CHDC Congo. Hội đồng đồng thời xem xét và thông qua báo cáo kết quả rà soát định kỳ phổ cập (UPR) của 14 nước.

Do đây là khóa thường kỳ cuối năm 2014, Hội đồng cũng đã xem xét và thảo luận báo cáo thường niên của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, Văn phòng Cao Ủy và Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình thực hiện các Nghị quyết mà Hội đồng Nhân quyền đã thông qua tại các khóa trước.

Trong số 32 Nghị quyết/quyết định được Hội đồng thông qua, có 24 Nghị quyết và 4 Tuyên bố của Chủ tịch được thông qua bằng đồng thuận, qua đó thể hiện sự chia sẻ về giá trị và tương đồng quan điểm của đa số các quốc gia đối với đa số các vấn đề truyền thống cũng mới nổi trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Bên cạnh đó, quá trình thảo luận đa chiều tại Khóa 27 lần này cũng cho thấy rõ hơn những khác biệt về quan điểm giữa các nước, các nhóm nước có trình độ phát triển và truyền thống văn hóa, lịch sử khác nhau trên một số vấn đề như: vai trò của các tổ chức phi chính phủ, xu hướng tình dục và nhận dạng giới tính, quyền phát triển, quyền hòa bình và tác động của việc xử lý nợ nước ngoài đối với việc thực hiện nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của các quốc gia.

Đây là khóa họp thường kỳ lần thứ 3 và cũng là khóa khép lại năm đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Đoàn Việt Nam đã chủ động tích cực, đã có những đóng góp chủ động, thực chất và xây dựng trong tất cả các đề mục thảo luận tại Khóa họp, qua đó tiếp tục khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Chính phủ Việt Nam, đề cao chính sách, nỗ lực và thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, cũng như chủ chương chủ động và tích cực tham gia, đóng góp vào đối thoại, hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành-Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam đã có phát biểu đại diện cho ASEAN tại phiên khai mạc và nhiều phát biểu tại các phiên thảo luận được các nước đánh giá cao, nhất là về quyền trẻ em, phụ nữ, bình đẳng giới, giáo dục lịch sử… Đoàn Việt Nam cũng phát biểu xây dựng, khách quan tại các phiên xem xét báo cáo kết quả rà soát định kỳ phổ cập của các nước.

Đa số các nước, dù thuộc các nhóm lợi ích và quan điểm khác nhau, đều đánh giá cao cách tiếp cận cân bằng, toàn diện và xây dựng của Việt Nam nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế và tính tới lợi ích chính đáng của các bên liên quan, được thể hiện qua các phát biểu cũng như qua trình tham gia thương lượng các dự thảo nghị quyết về các vấn đề còn nhiều khác biệt như vai trò của các tổ chức phi chính phủ, xu hướng tình dục và nhận dạng giới tính, an toàn nhà báo, nợ nước ngoài, cấm vận và nhân quyền, trật tự thế giới công bằng và dân chủ….

Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thương thảo các nghị quyết/quyết định, tham gia đồng bảo trợ 3 dự thảo Nghị quyết về quyền tham gia các hoạt đông giải trí của trẻ em, thúc đẩy nhân quyền thông qua thể thao và Olympic và quyền giáo dục cho trẻ em gái.

Sau quá trình tham gia thương lượng với nhiều đóng góp tích cực được ghi nhận, Việt Nam đã tham gia đồng thuận chung để thông qua hầu hết các Nghị quyết/quyết định/tuyên bố của Khóa 27. Đồng thời, xuất phát từ lợi ích và lập trường chia sẻ với các nước đang phát triển và Không Liên kết, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận với 7 nghị quyết về: cấm vận và nhân quyền, quyền phát triển, quyền hòa bình, sử dụng lính đánh thuê, nợ nước ngoài và hoạt động của các quỹ cứu nợ nhằm trục lợi của tư nhân, trật tự thế giới công bằng và dân chủ. Đối với dự thảo về xu hướng tình dục và nhận dang giới tính, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận trên cơ sở xem xét nội dung dự thảo một cách xây dựng và cân bằng, ủng hộ xóa bỏ bạo lực và chống phân biệt đối xử, cũng như cân nhắc tới tình hình, thực tiễn và luật pháp của Việt Nam.

Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp này một lần nữa khẳng định thái độ tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần đối thoại và hợp tác, góp phần bảo đảm hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các văn kiện thành lập, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đáp ứng quan tâm và tin tưởng của các nước cũng như quần chúng trong nước về vai trò, tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm