Việt Nam tiến tới mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng-chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng-chống HIV/AIDS (1-12).

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trong nước và quốc tế.

Tại điểm cầu Gia Lai, tham dự có đồng chí Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Thông tin về công tác phòng-chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết: Ở Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Nếu thời điểm cách đây 13 năm, mỗi năm chúng ta phát hiện khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ có khoảng 10.000 trường hợp. Trước đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài năm trở lại đây chỉ có khoảng 2.000 trường hợp tử vong/năm.

Riêng tại Gia Lai, từ ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến ngày 30-9-2020, số người nhiễm HIV lũy tích toàn tỉnh là 1.171; số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 413; số người tử vong do AIDS là 276. Có 17/17 huyện, thị xã, thành phố; 175/220 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Thành phố Pleiku là đơn vị có lũy tích số người nhiễm HIV cao nhất, tiếp đến là huyện Chư Păh, Ia Grai.

Tại hội nghị, một số tỉnh, thành phố và tổ chức đã có tham luận chia sẻ kinh nghiệm, bài học về công tác phòng-chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng-chống HIV/AIDS. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu thời gian tới không được phép chủ quan, lơ là vì dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại; dịch cũng không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp.

Đối với ngành Y tế, cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám-chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám-chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV… Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030, góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này. 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm