Ngày 14-9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Tròn 12 ngày, nước ta không có ca mắc cộng đồng và sắp "mở cửa" lại bầu trời, việc xét nghiệm sẽ thực hiện thế nào?
Bộ Y tế chiều 14-9 cho biết trong ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới.
Đến nay, nước ta có 1.063 ca bệnh và cũng tròn 12 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Trong số này, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, 372 ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Đã có 926 ca khỏi bệnh trên tổng số 1.063 ca phát hiện tại Việt Nam.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết trong số các bệnh nhân đang điều trị có 73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Dù nhiều ngày qua không có ca bệnh trong cộng đồng nhưng các chuyên gia cho rằng ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Hiện có hơn 33.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).
Thời gian tới, Việt Nam sẽ dự kiến sẽ mở lại đường bay quốc tế đối với Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia. Lượng người nhập cảnh dự kiến mỗi tuần khoảng 5.000 người.
Với nhiệm vụ phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cho biết đã lên các phương án và tính toán rất kỹ để kiểm soát dịch, trong đó có chiến lược xét nghiệm. Để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime -PCR.
Việt Nam sẽ xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại sân bay - Ảnh minh hoạ |
Các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phải dễ thao tác, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime - PCR hiện nay.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện có 3 phương pháp xét nghiệm Covid-19 là Realtime - PCR (cho kết quả sau 3 giờ), xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm nhanh kháng thể cho kết quả sau 30 phút - 1 giờ.
Trong 3 phương pháp này, xét nghiệm nhanh kháng thể có hiệu quả đối với người đã tiếp xúc với nguồn bệnh từ 7 ngày trở lên, không phát hiện được bệnh trong thời gian ủ bệnh nên không ưu tiên sử dụng tại sân bay, cửa khẩu mà ưu tiên sử dụng Realtime - PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Theo ông Sơn, với việc mở đường bay thương mại đón 5.000 người vào Việt Nam mỗi tuần, Việt Nam có thể sử dụng Realtime - PCR và trả kết quả sau khoảng 4 giờ. Hành khách âm tính có thể về nhà hoặc nơi lưu trú ngay sau đó, hành khách dương tính về khu cách ly điều trị. Phí dịch vụ xét nghiệm hành khách sẽ chi trả cho doanh nghiệp tổ chức dịch vụ.
D.Thu (NLĐO)