Chính trị

Tin tức

Việt Nam ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 17-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi nói chuyện quan trọng với các tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Nội dung nhận được nhiều quan tâm chính là những phát biểu của Tổng Bí thư về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và vai trò của Nhật Bản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước 1.000 học giả, chính trị gia, doanh nhân và nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước 1.000 học giả, chính trị gia, doanh nhân và nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản.


Cuộc nói chuyện của Tổng Bí thư với chủ đề Tầm nhìn phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á, do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Nikkei, tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nhật Bản phối hợp tổ chức. Tham dự cuộc nói chuyện có gần 1.000 học giả, chính trị gia, doanh nhân và nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản.

Nước lớn phải hành xử minh bạch

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hầu hết những bất đồng về chủ quyền biển đảo vốn tồn tại từ lâu nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong những năm gần đây là do cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp.

“Tranh chấp là giữa các bên liên quan nhưng cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định chung, đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển và do đó đây là mối quan tâm chung của khu vực và thế giới”-Tổng Bí thư nói.

Trên cơ sở  đó, việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình song phương và đa phương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thoả thuận chung là hết sức quan trọng, là con đường đúng đắn nhất.

“Các nước tuyệt đối không sử dụng các hành động đơn phương hay áp đặt, không được sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”-Tổng Bí thư khẳng định.

Hoà bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng tha thiết của tất cả các dân tộc, là lợi ích chung của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Trong thế giới toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia càng gắn liền với nhau, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung cho nhiều nước. Vì vậy, mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, cần tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định, để có được một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn, phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm trong quan hệ với nhau cũng như đối với lợi ích chung của cả khu vực và thế giới. Đồng thời, cần cùng nhau nỗ lực hình thành được các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, tăng cường hợp tác để đối phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên.

 

 


Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có các nước lớn, đưa các khuôn khổ hợp tác đã xác lập phát triển ngày càng thực chất; nỗ lực là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực, thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các cam kết quốc tế.

Về các tranh chấp trên biển, trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước liên quan thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Việt Nam luôn xác định hòa bình và phát triển của mình gắn liền với hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Nhật Bản xứng đáng có vai trò lớn hơn trong khu vực

Về vai trò của Nhật Bản trong cấu trúc khu vực, Tổng Bí thư cho rằng, là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, đồng thời là thị trường và nhà đầu tư lớn hàng đầu khu vực, sự phát triển của Nhật Bản gắn liền với sự thịnh vượng và phồn vinh của châu Á. Con đường phát triển hòa bình của Nhật Bản trong những năm qua là nhân tố quan trọng mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

“Với tiềm lực và những đóng góp của mình, Nhật Bản xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới”-Tổng Bí thư khẳng định.

Vì lẽ đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng.

Theo Tổng Bí thư, một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực là phù hợp với lợi ích chung của các nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, đặc biệt là Chương trình đối tác khu vực Nhật Bản-Mekong, hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hoà bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Những ý kiến này của Tổng Bí thư nhận được sự hoan nghênh rất lớn của cử tọa, với những tràng pháo tay kéo dài.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm