Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Vietnam Report công bố Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021 và một số nghiên cứu về ngành công nghệ thông tin-viễn thông.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại lễ công bố nhận diện thương hiệu mới với sứ mệnh kiến tạo xã hội số. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại lễ công bố nhận diện thương hiệu mới với sứ mệnh kiến tạo xã hội số. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Ngày 20/7, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021 và một số nghiên cứu về ngành công nghệ thông tin-viễn thông.
Theo đó, danh sách bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty CP FPT-Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Cổ phần VNG, Công ty Cổ phần HANEL, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội.
Báo cáo này được đánh giá và lượng hóa một cách khách quan, khoa học và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính của doanh nghiệp, xếp hạng uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding và đánh giá của các bên liên quan.
Nhân dịp này, Vietnam Report cũng công bố Top 10 Công ty Công nghệ thông tin-Viễn thông và Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2021.
Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh nhu cầu và làn sóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tại nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên khắp cả nước. Điều này vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông, vừa tạo ra cơ hội rõ ràng cho tiến trình phát triển bền vững của các công ty công nghệ đi tiên phong trong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số.
Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch COVID-19 như giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất…, Tổng giám đốc Vietnam Report nhấn mạnh.
Năm 2021, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin cũng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới nhờ vào sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ.
Theo báo cáo khảo sát tháng 3/2021 với Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Vietnam Report cho thấy lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông nằm trong Top 7 ngành, lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng nhất trong 3 năm tới với tỷ lệ dẫn đầu là 72,7%. Kết quả này thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành.
Mặc dù ngành này đã ghi nhận nhiều bước tiến trong việc hiện đại hóa và mở rộng hệ thống trong thời gian qua, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông được khảo sát bởi Vietnam Report, các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đạt đến mức bão hòa, khó có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của các ứng dụng OTT (Over-The-Top application) như Facebook, Zalo, Skype, Viber… và sẽ khiến cho doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm nhanh hơn.
Viện dẫn số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Vinh cho biết, năm 2019, cả nước có khoảng 125,7 triệu thuê bao di động. Với tổng dân số khoảng 96,2 triệu người thì trung bình mỗi người dân sẽ sở hữu 1,3 thuê bao di động, gần ngang bằng với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này càng cho thấy thị trường đã bão hòa và việc phát triển thêm thuê bao mới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài thách thức về tình trạng bão hòa, các doanh nghiệp công nghệ thông tin viễn thông Việt Nam còn phải đối mặt với sự hạn chế về điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ; sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và tình trạng thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước.
Trước tình hình đó, ngành công nghệ thông tin viễn thông cần tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước với sức lan tỏa to lớn, góp phần đưa công nghệ “Make in Vietnam” vươn tầm thế giới, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhiều lần chia sẻ: “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.”
Song song đó, các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cũng cần nhanh chóng bắt tay vào đầu tư công nghệ một cách nghiêm túc, xác định mục tiêu cốt lõi trong định hướng phát triển dài hạn là chiến lược kinh doanh do công nghệ dẫn dắt. Đó là mấu chốt, là bệ phóng để giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông tối ưu được nguồn tài nguyên, triển khai và cung cấp dịch vụ đến với khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm