Trong 35 năm qua, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin.
Các tập thể và cá nhân nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Sáng 5/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng danh giá mang tên một nhà khoa học lỗi lạc người Nga, bắt đầu được trao tại Việt Nam từ năm 1985.
Đây là giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên, một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
Trong 35 năm qua, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin...
Sau khi nhận được giải thưởng cao quý này, các nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho khoa học, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học nữ trên con đường khoa học vinh quang, nhưng cũng không ít chông gai.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong thành công của giải thưởng có vai trò quan trọng của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam liên tục từ năm 1985 đến năm 2015; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đương kim Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam; sự đồng hành của các thế hệ lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các thành viên Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia qua các thời kỳ.
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, truyền thống đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam gìn giữ và trao truyền trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Vượt qua những khó khăn, rào cản, nhiều phụ nữ tài giỏi, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.
"Những đóng góp của các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng Kovalevskaia là thể hiện mạnh mẽ về tài năng, khả năng, sức sáng tạo và trí tuệ của những nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học," bà Hà Thị Nga khẳng định.
Tại buổi lễ, đại diện Ban Tổ chức đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 tặng tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, của Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ Y tế) vì có nhiều đóng góp cho nền khoa học của nước nhà.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên là cơ quan đầu ngành của cả nước nghiên cứu, điều tra cơ bản các chất thiên nhiên từ tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật; phát hiện, nghiên cứu khai thác hợp lý các chất có hoạt tính sinh học trong các tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật, chuyển hóa và tổng hợp chúng thành những chất có giá trị cao phục vụ cho công nghiệp dược, nông nghiệp và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học nữ của Viện cũng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Các sản phẩm được hình thành từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đã được lưu hành rộng rãi trên thị trường, phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng như Khương Thảo đan, Đông trùng hạ thảo, các loại tinh dầu...
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Thanh Hương có nhiều cống hiến cho ngành y tế Việt Nam vì có nhiều đề tài khoa học nhằm cải thiện phương pháp điều trị những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Trong số những công trình đó có hai đề tài nổi bật, mang tính đột phá, tiên phong là: "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" và "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam".
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)