TN - Đất & Người

Vỡ mộng cá tầm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cá tầm xứ lạnh ở H.Kon Plông (Kon Tum) là thương hiệu có tiếng một thời. Thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp nuôi cá này phải "dẹp tiệm" vì cạnh tranh không nổi với cá tầm của Trung Quốc rẻ mạt tràn vào.
Hồ nuôi cá tầm bỏ hoang
Hồ nuôi cá tầm bỏ hoang
Đìu hiu hồ nuôi cá
Cách đây chừng 4 năm, chúng tôi lên hồ nuôi cá tầm của ông Trần Nhi Kha (60 tuổi) ở xã Măng Cành, H.Kon Plông. Ông Kha vốn là Việt kiều, đầu tư vốn, kỹ thuật nuôi cá tầm rất bài bản. Ngày bắt tay vào nuôi năm 2010, ông thành lập Công ty cổ phần Hoàng Ngư, đổ tiền tỉ ngăn con suối nước lạnh, làm thủy điện nhỏ để đưa nước về hồ nuôi có tổng diện tích khoảng 1 ha. Vài năm đầu, khi nuôi cá tầm thành công, bán ra thị trường với giá 450.000 - 600.000 đồng/kg, ông Kha còn tính toán xây dựng thác nước đẹp ở gần cơ sở và hồ nuôi cá thành điểm tham quan du lịch. Ngày đó, ông còn nhập 20.000 trứng cá tầm về ấp để nuôi và bán. Có thời điểm ông nuôi 7.000 - 10.000 con/năm, xuất bán mỗi năm chừng 10 - 15 tấn cá tầm thương phẩm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Mới đây, khi cùng cán bộ Phòng NN-PTNT H.Kon Plông trở lại hồ nuôi cá tầm của ông Kha, chúng tôi chứng kiến cảnh đìu hiu không một bóng người. Bên ngoài cỏ mọc hoang dại, còn bên trong thì nước ở đập ngăn từ suối nước lạnh chảy lênh láng trên đường vào hồ nuôi cá. Căn nhà ngày trước ông Kha ở, bây giờ là những khung gỗ trơ trọi. Nhà ấp trứng cá tầm cũng lạnh tanh...
Đi vào hồ, vẫn thấy có cá tầm nuôi ở đây. Một cán bộ Phòng NN-PTNT H.Kon Plông đi cùng cho biết, năm 2016 khi cá tầm nuôi không có đầu ra, ông Kha đã xuống Đà Nẵng mở nhà hàng, còn cơ sở nuôi cá thuê hai vợ chồng người bản địa trông giữ. Ai đến mua cá tầm thì người trông cơ sở bán lẻ, giá 250.000 đồng/kg.
Hỏi những cơ sở nuôi cá tầm đình đám một thời ở đây, ông Trịnh Xuân Quý, Phó phòng NN-PTNT H.Kon Plông, lắc đầu: "Hồ của ông Kha là nơi duy nhất còn nuôi cá tầm. Các cơ sở khác đã bỏ nuôi và chuyển mục đích nuôi trồng khác".
Không có đầu ra
Đưa cá tầm về nuôi tại H.Kon Plông và làm nên thương hiệu "Cá tầm Măng Đen" đầu tiên là Công ty cổ phần thủy sản Măng Đen. Đơn vị này nuôi cá tầm ở xã Hiếu, H.Kon Plông, trên diện tích 3 ha, vốn đầu tư 15 tỉ đồng, thời hạn nuôi 20 năm. Thời gian đầu có cả sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm khoa học Ukraine. Khi đó, giống cá tầm lấy từ nước Nga xa xôi về nuôi, ban đầu cho kết quả rất mỹ mãn: nuôi 8 - 9 tháng, cá đạt 1 kg, với giá bán ra từ 400.000 - 450.000 đồng/kg. Sau thành công của doanh nghiệp này, đến năm 2012, trên địa bàn có Công ty cổ phần Hoàng Ngư thành lập và 4 hợp tác xã nuôi cá tầm, với tổng số lao động 58 người, nuôi tại các xã: Pờ Ê, Hiếu, Đăk Long, Măng Cành.
Khoảng 3 năm đầu, các doanh nghiệp nói trên làm ăn có lãi, thị trường không chỉ ở tỉnh Kon Tum mà rộng ra các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Hồi đó, Tổ chức Kỷ lục VN và Hội Kỷ lục gia VN xác lập kỷ lục đặc sản món ăn nổi tiếng cho cá tầm Măng Đen. Tỉnh ủy Kon Tum tháng 7.2011 cũng ban hành nghị quyết về xây dựng, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, trong đó xác định cá tầm, cá hồi đến năm 2015 đạt 500 tấn; đến năm 2020 đạt 1.000 tấn (chủ yếu là cá tầm).
Sau thời "hoàng kim" đó thì đến năm 2015, cá tầm xứ lạnh Măng Đen lao đao và tụt dốc. Không biết từ đâu cá tầm sản xuất từ Trung Quốc đổ vào "thủ phủ" cá tầm Măng Đen với giá chỉ dưới 100.000 đồng/kg.
Ông Trịnh Xuân Quý cho biết, cạnh tranh không lại cá tầm Trung Quốc, nhiều cơ sở nuôi cá tầm Măng Đen cuối năm 2014 đã lui bước và nuôi "cầm chừng"; đến năm 2016 thì chuyển sang ngành nghề khác. Đến nay chỉ còn Công ty cổ phần Hoàng Ngư nuôi cá tầm số lượng ít để bán lẻ.
Ông Nguyễn Văn Lân, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, cho biết hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá tầm bị lỗ nặng. "Địa phương luôn luôn ủng hộ doanh nghiệp nuôi và phát triển mạnh thương hiệu cá tầm. Nhưng để phát triển loại cá này, các doanh nghiệp phải liên kết lại, tìm đầu ra sản phẩm bền vững mới cạnh tranh nổi", ông Lân trao đổi.
Phạm Anh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm