(GLO)- Vì mù quáng nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu nên một số người bán hết vườn rẫy, bỏ lại gia đình, buôn làng để vượt biên sang Campuchia, Thái Lan với ảo vọng đi tìm “miền đất hứa”. Thế nhưng, sau bao tháng ngày khổ ải nơi đất khách, thứ mà họ nhận được chỉ là những giọt nước mắt đắng cay trong ngày trở về với 2 bàn tay trắng.
Chuyện về Rơ Châm Bít
Sau 2 năm lạc lối với ảo vọng đổi đời, Rơ Châm Bít (SN 1985, trú tại làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) trở về làng với nỗi niềm xen lẫn giữa hạnh phúc và đắng cay. Trong vòng tay yêu thương, tha thứ của gia đình, người thân, dân làng và chính quyền địa phương, Bít nghẹn ngào không nói thành lời, nước mắt cứ thế tuôn trào.
Tiếp nhận những người vượt biên qua Campuchia trở về nước. Ảnh: L.A |
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, Rơ Châm Bít vẫn chưa hết đắng cay sau những năm tháng sống chui lủi, bị bỏ rơi nơi đất khách, quê người. Bít cho biết: Năm 2014, Bít đã xiêu lòng trước lời xúi giục của Puih Aluk (tức Ama Hranh, FULRO lưu vong ở Mỹ) nên có ý định vượt biên sang Campuchia để tìm đường sang nước thứ ba. Cuối tháng 7-2015, Rơ Châm Bít lôi kéo thêm Rơ Mah Tăn, Rơ Mah Chế, Rơ Mah Hlíu (trú cùng làng) cùng trốn sang Campuchia.
Để có tiền đi đường, Bít bán tài sản trong gia đình được hơn 30 triệu đồng rồi cùng cả nhóm đón xe vào TP. Hồ Chí Minh để vượt biên sang Campuchia. Tại đây, cả nhóm của Bít được Puih Aluk giới thiệu cho ở lại đợi phỏng vấn để được sang nước thứ ba. Trong những tháng ngày chờ đợi, Bít cùng những người khác phải sống khổ cực, thiếu tự do và luôn nơm nớp lo sợ. Sau gần 2 năm vật vã nơi đất khách, đến ngày 20-3-2017, Bít cùng những người tị nạn ở đây nhận được tin báo không đủ điều kiện và buộc phải về nước. Tuy nhiên, khi mọi người có ý định quay về vì không chịu được cảnh sống khó khăn, bị lệ thuộc và không được đi lại tự do… thì bị các đối tượng FULRO lưu vong xúi giục tiếp tục trốn sang Thái Lan.
Lo sợ trước những lời đe dọa của các đối tượng FULRO lưu vong, phần vì không có tiền để quay về nên Bít cùng một số người trốn khỏi trại tạm cư ở Campuchia để đi Thái Lan. Tuy nhiên, khi đến nơi, Bít cùng nhiều người khác không hề nhận được sự giúp đỡ nào như lời hứa của các đối tượng FULRO lưu vong. Tại đây, để có tiền sinh sống, Bít cùng những người dân tộc thiểu số khác phải đi phụ hồ, sửa nhà, làm cỏ… với tiền công rẻ mạt. “Tôi và nhiều người ở đây phải sống chui lủi vì sợ bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Không những vậy, nhiều chủ ở Thái Lan sau khi thuê làm việc họ còn không trả tiền công cho mình”-Bít nghẹn ngào.
Để tiếp tục sống những ngày ở đây và nuôi hy vọng sẽ được đưa sang Mỹ, Bít liên lạc với vợ để bán đất vườn được 30 triệu đồng rồi đưa cả nhà cùng trốn sang Thái Lan. Tháng 5-2017, gia đình Rơ Châm Bít có mặt tại Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây quá cơ cực khiến cả gia đình lâm vào bế tắc. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Bít cùng vợ quyết định quay trở về để được sống chung với anh em, bà con dân làng. Khi gia đình Bít về đến tỉnh Ratanakiri thì bị Cảnh sát Campuchia bắt giữ trao trả về Việt Nam. Ngày 28-8-2017, Rơ Châm Bít được chính quyền địa phương đưa về làng trong sự cảm thông và tha thứ của mọi người. Được chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện để làm lại cuộc đời sau những tháng ngày lạc lối, Rơ Châm Bít chia sẻ: “Tôi đã nhận ra việc làm sai trái của mình. Giờ đây, tôi mong mọi người đừng đi vào con đường tối, đừng nghe lời kẻ xấu lừa dối để rồi phải lâm vào tình cảnh như tôi”.
Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin
Chỉ vì thiếu hiểu biết và cả tin mà một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã trót nghe theo lời xúi giục của các đối tượng trong tổ chức phản động FULRO do Ksor Kơk cầm đầu để vượt biên sang Campuchia rồi tìm đường sang nước thứ ba. Thế nhưng, sau khi bán vườn rẫy, trâu bò, vật dụng trong gia đình, vay mượn tiền... để lấy kinh phí trang trải cuộc sống và trả cho đối tượng dẫn đường sang Campuchia, Thái Lan, nhiều người đã phải cay đắng trở về với 2 bàn tay trắng.
Trong 3 năm (2014-2017), có trên 110 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trốn sang Campuchia, Thái Lan đã được UNHCR và Campuchia trao trả cho Việt Nam để về đoàn tụ cùng với gia đình, người thân. Tất cả những người trên khi trở về đều được dân làng, chính quyền tha thứ, tạo điều kiện xây dựng lại cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương mình. |
Trong hành trình lẩn trốn đầy gian nan, vất vả, thiếu thốn ấy, đã có nhiều trường hợp thấy khó khăn nên tự quay về địa phương. Tuy nhiên, cũng đã có những người mãi không trở về vì chết trên đường đi như Siu Lôk (thôn Piơr 1, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông). Họ chết ở nơi đất khách, quê người nên không được làm ma chay theo đúng tục lệ của người dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là trường hợp Kpă Thanh (làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Vì buồn chán sau những năm tháng sống cơ cực, chui lủi tại Campuchia nên Kpă Thanh đã thắt cổ tự tử. Hay như Rơ Mah Hler (làng Su B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) bị bệnh nặng, không có thuốc chữa trị, không có người chăm sóc nên đã bỏ mạng tại Campuchia.
Lê Anh-Xuân An