Thể thao

Võ sĩ Đỗ Trường Thi luôn hướng về quê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, võ sĩ Đỗ Trường Thi (SN 1995, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) luôn khao khát được cống hiến cho quê nhà. Tuy nhiên, hành trình khoác áo Gia Lai của tuyển thủ này lại gặp nhiều dang dở và tiếc nuối.

Rạng danh võ đường

Ngay từ nhỏ, Đỗ Trường Thi đã có niềm đam mê võ thuật, đặc biệt là Karate. Vào thời điểm đó, ở khu vực xã Ia Sao, Ia Yok (huyện Ia Grai) có khá nhiều câu lạc bộ (CLB) Karate thu hút đông đảo học sinh tham gia. Năm 8 tuổi, cậu học trò có vóc dáng nhỏ nhắn bắt đầu khoác lên mình bộ võ phục Karate ở CLB Vĩnh Ngọc do võ sư nổi tiếng Võ Ngọc Lương truyền dạy. Dưới sự dìu dắt của người thầy giàu tâm huyết, Thi đã nhanh chóng bộc lộ tài năng.

Đỗ Trường Thi (bìa trái) nhận huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Ảnh: Công Tuấn

“Từ nhỏ, Thi đã cho thấy tố chất phù hợp với môn Karate. Song hơn cả là đam mê, nghị lực của em với môn võ này. Nhiều bạn đồng trang lứa bỏ dở không thể tiếp tục, còn Thi càng quyết tâm lao vào tập luyện. Khi bước vào sàn đấu, em chơi rất khôn ngoan, máu lửa và thường làm chủ trận đấu. Thi chính là một trong những học trò xuất sắc nhất của võ đường Vĩnh Ngọc, giúp võ đường rạng danh không chỉ trong tỉnh mà còn ở cấp quốc gia”-võ sư Võ Ngọc Lương thổ lộ.

Khi là học sinh THCS, Thi giành liên tiếp 2 huy chương vàng tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai. Năm 2008, Thi chính thức gia nhập đội năng khiếu Karate của tỉnh. Được đào tạo chuyên sâu, cậu học trò nghèo càng có cơ hội phát huy khả năng của mình. Chỉ 1 năm sau, Thi đã giành huy chương bạc ở Giải Vô địch Cúp Karate Quốc gia. Năm 2010, Thi xuất sắc giành huy chương vàng ở Giải Vô địch trẻ Karate Quốc gia.

Nhờ vậy, năm 2011, Thi chính thức được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia. Thi bộc bạch: “Nhà chỉ có hai mẹ con. Khi còn tập luyện ở Pleiku, tôi thường xuyên về thăm mẹ. Đến khi tập trung đội tuyển chỉ có một thân một mình, tôi mới thấy nhớ nhà và thương mẹ vô cùng. Đó thực sự là thử thách nhưng cũng là động lực giúp tôi cố gắng mang về thành tích cao để không phụ tấm lòng của mẹ”.

Năm 2012 đánh dấu cột mốc đáng nhớ với Đỗ Trường Thi với 4 tấm huy chương vàng ở 4 giải đấu: Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Giải Vô địch Cúp Karate Quốc gia, Giải Vô địch trẻ Karate Quốc gia và Giải Karate miền Đông Nam Bộ mở rộng. Một năm sau, khi được đôn từ lứa trẻ lên đánh hạng vô địch, Thi cũng giành huy chương đồng Giải Vô địch Quốc gia. Năm đó, anh cũng chính thức được đôn từ đội tuyển trẻ lên đội tuyển quốc gia, điều hiếm có vận động viên (VĐV) Gia Lai nào làm được, đồng thời mở ra một cánh cửa mới cho sự nghiệp của VĐV.

Hành trình dang dở

Những tưởng Đỗ Trường Thi tiếp tục cống hiến và mang về những tấm huy chương danh giá cho thể thao Gia Lai thì bất ngờ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh bị cắt kinh phí đào tạo VĐV chuyên nghiệp năm 2014. Các VĐV như Thi buộc phải tìm bến đỗ mới. Là một tuyển thủ quốc gia, Thi lập tức được TP. Cần Thơ chiêu mộ với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh. Trong khoảng thời gian thi đấu cho Cần Thơ (2014-2020) đến khi giải nghệ, Thi luôn nằm trong top đầu của làng Karate Việt Nam. Nổi bật nhất chính là tấm huy chương vàng Giải Vô địch Quốc gia năm 2016, huy chương bạc Đại hội Thể thao toàn quốc 2018. Ở kỳ đại hội năm đó, Gia Lai chỉ giành được 1 huy chương đồng.

Ông Phan Văn Hường-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Karate Gia Lai: “Đỗ Trường Thi là tấm gương cho các thế hệ VĐV Gia Lai noi theo. Em không những chăm chỉ, ý thức tốt trong tập luyện, quyết tâm trong thi đấu mà còn có tính tự lập cao, có chí cầu tiến khi vừa đạt được thành tích cao ở Karate lại vừa hoàn thành chương trình học đại học và cao học. Thi còn là cầu nối giúp các VĐV Karate Gia Lai khi đến với TP. Hồ Chí Minh”.

Giành được hầu hết các danh hiệu ở những giải Karate hàng đầu quốc gia, song Thi vẫn có nhiều điều tiếc nuối. Đơn cử như khi đang ở đỉnh cao phong độ vào năm 2015, kỳ SEA Games 28 tổ chức tại Singapore đã không đưa môn Karate vào chương trình thi đấu. Vì vậy, anh không có cơ hội thử sức ở đấu trường này. Và đặc biệt là việc không được khoác áo đơn vị quê hương mỗi lần bước lên sàn đài. “Giới Karate trong nước vẫn gọi tôi là Thi Gia Lai chứ không ai gọi là Thi Cần Thơ cả. Tôi tiếc nuối vì khi ở thời điểm sung mãn, chín chắn nhất của sự nghiệp lại không được đầu quân cho quê nhà. Được chơi cho màu áo của Gia Lai vẫn rất đặc biệt vì nơi đó có gia đình, bạn bè cũng như những người thầy của tôi”-Thi tâm sự.

Trong quá trình đầu quân cho TP. Cần Thơ, không chỉ luyện võ, anh còn tập trung cho việc học hành. Năm 2021, Thi chính thức nhận bằng thạc sĩ Giáo dục và đang là giáo viên tại Trường Phổ thông Song ngữ Quốc tế Wellspring Saigon tại TP. Hồ Chí Minh. Song song với nghề “gõ đầu trẻ”, anh thành lập hệ thống CLB Karate Erato Dojo với 6 phòng tập tại TP. Hồ Chí Minh. Thi chia sẻ: “Tôi vẫn thường xuyên hỗ trợ các cựu VĐV Karate Gia Lai học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với các võ đường làm từ thiện ở Gia Lai. Thời gian tới, tôi dự định phát triển hệ thống phòng tập Karate chuyên nghiệp tại quê nhà”.

Có thể bạn quan tâm