Pháp luật

Tin tức

Vỡ vạc nhiều điều trong việc chấp hành pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Luật Doanh nghiệp mở ra điều kiện thông thoáng trong quá trình thành lập, hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật của các doanh nghiệp. Song, qua công tác hậu kiểm trong hai năm (2008-2009) cho thấy ý thức chấp hành pháp luật một số doanh nghiệp chưa nghiêm.

Vỡ vạc nhiều điều

Đến nay trên địa bàn Gia Lai có 2.575 doanh nghiệp hoạt động dưới 6 loại hình doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, DNTN, công ty hợp doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Trong tất cả các loại hình doanh nghiệp trên, hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ là nhiều nhất (1.134 DN); kế đến là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông-lâm nghiệp (545 DN); sản xuất công nghiệp, chế biến (380 DN); xây dựng công trình (360 DN)… Nhìn chung, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đã tạo một cơ hội lớn cho các tổ chức và cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp và đi vào hoạt động như: Tự kê khai vốn không cần xác nhận của ngân hàng, tự chịu trách nhiệm trong quá trình hoạt động trước pháp luật... Đồng thời, hàng năm các loại hình doanh nghiệp trên đã đem về nguồn thu rất lớn cho ngân sách của tỉnh.

Chọn lựa hàng tại Siêu thị Co.op Mart.
Chọn lựa hàng tại Siêu thị Co.op Mart.

Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong 2 năm (2008 và 2009), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Cục Thuế tỉnh, các sở, ban ngành tiến hành kiểm tra, rà soát sơ bộ (hậu kiểm) 1.497 doanh nghiệp trong tổng số 2.575 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Qua hậu kiểm cho thấy còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật như: Không gửi báo cáo tài chính hoạt động sản xuất kinh doanh, không chấp hành tốt các nghĩa vụ về nộp ngân sách Nhà nước, không còn hoạt động tại trụ sở đã đăng ký hoặc đăng ký vốn cao với nhiều ngành nghề nhưng hoạt động nhỏ lẻ và rất hạn chế…

Trong đó, năm 2008 buộc phải thu hồi giấy phép của 200 doanh nghiệp. Đến hết năm 2009, tiếp tục xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh của 127 doanh nghiệp; 66 doanh nghiệp không bố cáo thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung kinh doanh; 49 doanh nghiệp vi phạm về thủ tục góp vốn, xác nhận vốn góp, mở sổ đăng ký thành viên; 37 doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh; 2 doanh nghiệp vi phạm về treo bảng hiệu; 2 doanh nghiệp hoạt động vượt quyền… Đặc biệt, qua công tác hậu kiểm phát hiện 27 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tư vấn, thiết kế không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật và nhiều doanh nghiệp khác đăng ký rất nhiều ngành nghề với số vốn thật “oách” nhưng thực ra quy mô về vốn và bộ máy tổ chức cũng như năng lực về con người còn rất hạn chế.

Cần cú hích cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Tấn Nghĩa- Phó trưởng Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thực ra công tác hậu kiểm chỉ rà soát lại các doanh nghiệp trên địa bàn mà chưa đi sâu vào năng lực của mỗi doanh nghiệp. Những kết quả đề cập trên cũng chưa thể đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song, qua công tác hậu kiểm đã bộc lộ cho thấy các doanh nghiệp ở tỉnh chưa nghiên cứu và chưa hiểu các quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan; bộ máy tổ chức và con người điều hành chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động ngành nghề đã đăng ký; đội ngũ làm công tác kế toán ở nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về chuyên môn, chưa nắm bắt kịp thời về các quy định của Nhà nước và về chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính; một nhân viên kế toán có khi làm việc cho nhiều doanh nghiệp khác nhau nên công tác mở sổ sách ghi chép, hoạch toán còn sai sót, chưa tuân thủ theo quy định…

Những yếu kém này đã hạn chế rất nhiều về nội lực của một số doanh nghiệp trên địa bàn đủ sức vươn xa hơn ra khỏi địa bàn tỉnh. “Mặc dù vậy, hiện nay chưa có quy định về số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cũng như quy định buộc doanh nghiệp phải thực hiện việc cắt giảm các ngành nghề đã đăng ký nhưng chưa triển khai kinh doanh”- ông Nghĩa nói.

Có thể thấy, thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai đã có những đóng góp đáng trân trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội. Nhưng với những yếu kém thông qua công tác hậu kiểm cho thấy rất cần chúng ta phải suy nghĩ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc thông tin kịp thời các quy định của pháp luật. Nếu vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước cho các doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh theo đúng quỹ đạo pháp luật hiện hành không được xem nhẹ.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm