Đầu xuân, tôi và gia đình lên chùa cầu mong cuộc sống bình an và ngắm cảnh vật chốn thiền môn.
Thật hữu duyên, tôi được gặp Đại đức Thích Vạn Đức-Trụ trì chùa Bửu Tịnh. Đại đức cho biết: Chùa Bửu Tịnh được xây dựng trong khoảng những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Khi ấy, người dân từ Phú Yên di cư lên đây lập làng, lập chùa. Thuở ban đầu chỉ là nếp chùa đơn sơ kiểu nhà tranh vách đất như những nhà dân thời đó. Qua nhiều lần đổi dời, kiến tạo mới khang trang như ngày nay. Tên chùa Bửu Tịnh do Hòa thượng Thích Đức Thiệu đặt.
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh), hồ sơ khoa học di tích “Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần” có viết: “Chùa Bửu Tịnh có liên quan đến tiền hiền Phan Hữu Phàn, người thành lập làng Phú Cần năm 1925 và các vị hậu hiền. Trong đó có hậu hiền Nguyễn Hữu Phúc là tín đồ Phật giáo. Theo tờ phái quy y gia đình còn giữ được, ông thọ giới tại chùa Bửu Tịnh ngày 16-9-1967. Bàn thờ Phật tại đền thờ tiền hiền làng Phú Cần cũng chính do ông Nguyễn Hữu Phúc đặt.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Cần còn một số bia mộ thể hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân địa phương. Nhiều ngôi mộ trước năm 1975 có khắc chữ “Vạn” trên bia, là ký hiệu của phật tử, nằm rải rác các nơi trong thôn Thắng Lợi. Điều này chứng tỏ rằng, từ thập niên 60, Phật giáo đã được người dân đón nhận rộng rãi tại đây”.
Có thể nói, chùa Bửu Tịnh đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, hướng dẫn tăng ni, phật tử chấp hành quy định của pháp luật, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và chính quyền tổ chức. Bên cạnh đó, nhà chùa còn kết hợp với nhiều tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Tôi có vài người bạn thường xuyên vào chùa công quả với tinh thần tự nguyện. Mỗi lúc rảnh rỗi, bạn lại vào chùa. Đôi khi chỉ làm một số việc nhỏ như châm nến, thay hoa hay quét dọn, bạn cũng thấy vui. Phật tử là nam nhi khỏe mạnh thì giúp những công việc như sắp xếp nơi thờ tự, trang trí khuôn viên, cây cảnh, khuân vác đồ từ thiện. Còn nữ phật tử thì giúp nhà chùa nấu cơm chay vào những ngày lễ lớn của nhà Phật hay ngày rằm, mùng 1.
Tôi lang thang chiêm ngắm cảnh chùa trong một buổi chiều nắng dịu của mùa xuân, thảnh thơi nhìn mái chùa nép dưới tán cây yên bình. Những nếp nhà quây quần bên chùa, vườn rau xanh mướt xen lẫn những vườn thuốc lá đang vào vụ tạo sự đầm ấm, vui tươi của một ngôi làng trù phú. Thảng nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong gió như đánh thức tâm hồn tôi hướng đến những điều thiện lành, đẹp đẽ.