Báo xuân 2025

Những người thông thái ở Đê Kjiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đấy là mỹ từ mà người dân dành cho ông Hyek và ông Djưng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

2 ông đều là thành viên Hội đồng già làng Đê Kjiêng-nơi chỉ dành cho những người có hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và trách nhiệm với cộng đồng.

Cùng lo việc chung

Bị sốt từ đêm hôm trước nhưng sáng sớm hôm sau, ông Hyek đã có mặt tại nhà ông Djưng như đã hẹn. Cả hai rời làng trên chiếc xe gắn máy hướng về phía Phân trại số 4 thuộc Trại giam Gia Trung (Bộ Công an), cách làng hơn 2 km.

Trước đây, Phân trại vừa trồng mới một số diện tích cây bạch đàn. Trong lúc chờ cây khép tán, dân làng muốn mượn khoảng đất trống để trồng một vụ mì. Nhận thấy mong muốn của dân làng là chính đáng, Hội đồng già làng đã họp bàn, thống nhất cử 2 ông đến làm việc với lãnh đạo đơn vị.

nhung-nguoi-thong-thai-o-de-kjieng-dd.jpg
Năm 2019, làng Đê Kjiêng được hỗ trợ làm lại nhà rông truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: A.N

Ông Hyek cho hay: “Làng nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nên đất sản xuất không nhiều. Bà con cũng muốn canh tác để có thêm thu nhập. Nếu lãnh đạo đơn vị đồng ý, Hội đồng già làng sẽ thông báo cho bà con, ai có nhu cầu thì đăng ký. Trong quá trình canh tác, người dân cam kết sẽ cùng chăm sóc, bảo vệ diện tích cây bạch đàn”.

Bao năm qua, những việc chung ở Đê Kjiêng đều mang đậm dấu ấn của Hội đồng già làng gồm 6 thành viên. “Thủ lĩnh” của Hội đồng già làng là ông Huơi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Sức khỏe giảm sút khiến đôi chân ông không nhấc khỏi chiếc giường đơn kê cạnh bếp lửa, đôi tai không còn nghe rõ những điều dân nói. Vậy nên, hơn 2 năm qua, ông Hyek (70 tuổi), người cao tuổi thứ 2 trong Hội đồng già làng được giao trọng trách đưa ra tiếng nói quyết định sau khi các thành viên đã bàn bạc, thống nhất.

Chị Khanh chia sẻ: “Các già làng thường xuyên quan tâm, hỏi han cuộc sống của mọi người nên biết bà con mong muốn gì để nói thay với xã, với huyện. Các già cũng động viên, khuyên nhủ dân làng chăm chỉ lao động, chi tiêu tiết kiệm và không sinh nhiều để nuôi dạy con cho tốt. Làng mình có nhà rông truyền thống to đẹp thế này cũng là nhờ các già làng”.

Nhìn về phía nhà rông, ánh mắt ông Hyek, ông Djưng lấp lánh niềm hạnh phúc. Năm 2019, làng được hỗ trợ kinh phí làm lại nhà rông truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Đã có nhiều cuộc họp giữa Hội đồng già làng, Ban Nhân dân và Ban Công tác Mặt trận để bàn việc làm nhà rông. Với nhiệm vụ thiết kế nhà rông, các thành viên Hội đồng già làng đã nhiều đêm mất ngủ.

Khi mô hình nhà rông được phác thảo, “thủ lĩnh” già làng đã cúng xin thần linh để được chấp nhận và ủng hộ dân làng làm nhà rông thuận lợi.

“Các hộ dân trong làng được chia thành nhiều nhóm, luân phiên nhau tìm kiếm vật liệu tập kết về sân nhà rông. Công trình của làng nên già trẻ, gái trai đều tham gia. Người già thì ngồi chẻ lạt, tước sợi mây và góp ý để việc xây dựng nhà rông theo đúng truyền thống cha ông. Thanh niên, phụ nữ thì đan những tấm phên để làm vách nhà”-ông Hyek hồi nhớ.

nhung-nguoi-thong-thai-o-de-kjieng-2.jpg
Ông Djưng (bìa trái) và ông Hyek nhớ lại quãng thời gian tham gia hỗ trợ thực địa cho nhóm nghiên cứu về voọc chà vá chân xám. Ảnh: A.N

Hơn 3 tháng cộng đồng trách nhiệm, nhà rông đã hoàn thành. Khuôn viên nhà rông còn được trang trí bởi nhiều tượng gỗ do các làng trong xã trao tặng khi dự khánh thành nhà rông mới và do chính các thành viên trong Hội đồng già làng tạc.

“Mỗi tượng gỗ đều có khắc tên làng, tên người tặng. Mình cũng tạc 3 tượng gỗ. Nhiều du khách khi tham quan Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ghé qua đây đều khen nhà rông đẹp, mình vui lắm”-ông Djưng tự hào nói.

Tiếp nối truyền thống từ những người đi trước, các thành viên Hội đồng già làng Đê Kjiêng luôn hết mình vì sự phát triển của làng. Họ tuyên truyền, vận động dân làng chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng; lắng nghe và truyền tải ý kiến, nguyện vọng của dân làng đến cấp có thẩm quyền…

Bám rừng bảo vệ động vật quý hiếm

Làng Đê Kjiêng tiếp giáp với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ngoài các loài thực vật quý hiếm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật có tên trong Sách đỏ. Điển hình là loài voọc chà vá chân xám-một trong những loài linh trưởng đặc hữu đẹp nhất thế giới.

nhung-nguoi-thong-thai-o-de-kjieng-3-them.jpg
Ông Djưng (trước), ông Hyek (sau) trong 1 chuyến tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: An Nguyên

Lớn lên cùng đại ngàn nên cả 2 ông đều thông thạo địa hình, hiểu về môi trường rừng cũng như những tập tính của một số loài động vật quý hiếm. Năm 2004, khi nhóm nghiên cứu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tìm kiếm người hỗ trợ thực địa, ông Hyek chủ động tham gia.

“Giai đoạn này, nhóm chủ yếu nghiên cứu về tập tính của voọc chà vá chân xám dựa vào dấu vết thức ăn để lại, đường đi của chúng nên mỗi tháng đều ăn rừng, ngủ rừng khoảng 15 ngày. Mình vào rừng cũng nhiều nhưng không khi nào ở lại lâu đến thế.

Khi đi cùng nhóm, mình hiểu hơn về giá trị của rừng, thêm yêu rừng và càng mong muốn dân làng phải ra sức bảo vệ rừng. Tiếc là mình chỉ làm đến năm 2006 thì nghỉ. Lúc đó, mình vừa làm Phó Trưởng thôn, vừa làm Công an viên nên không sắp xếp được thời gian”-ông Hyek kể.

Ông Lê Văn Lắm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ayun: “Hội đồng già làng Đê Kjiêng có tính kế thừa và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Người đi trước như ông Hyek có kinh nghiệm lại am hiểu phong tục tập quán, người kế cận như ông Djưng thì năng nổ, nhiệt tình. Hội đồng già làng luôn phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, nhờ đó nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Làng có hơn 40 hộ dân nhận khoán bảo vệ hơn 400 ha rừng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nhiều năm nay không có trường hợp nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng”.

Người được ông Hyek tin tưởng, giới thiệu tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu đến năm 2010 là ông Djưng.

Theo ông Djưng, loài linh trưởng này ngày càng khan hiếm nên rất khó gặp. Để phát hiện, thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu phải di chuyển liên tục theo từng dấu vết mà chúng để lại. Có khi thì men theo đường mòn, có lúc lại len qua khe suối.

Được nhóm nghiên cứu hướng dẫn, ông cũng tỉ mỉ quan sát, ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan đến đời sống loài linh trưởng này. Lâu dần, ông có thể phân biệt được đâu là con đực, đâu là con cái cũng như độ tuổi của loài voọc chà vá chân xám chỉ qua tiếng kêu; hay thức ăn của chúng là lá non, quả chát…

Năm 2010, hoạt động nghiên cứu chuyển từ cơ bản sang bảo tồn, việc hỗ trợ thực địa của ông Djưng không còn thường xuyên. Thay vào đó, khi nào nhóm nghiên cứu cần người hỗ trợ thực địa hoặc các hoạt động liên quan đến cộng đồng thì cả 2 ông đều tham gia.

Ông Nguyễn Ái Tâm-Điều phối vùng Dự án Bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Hội Động vật học Frankfurt) khẳng định: Nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ông Hyek, ông Djưng. Ở giai đoạn đầu, 2 ông đã giúp nhóm định hình khu vực nghiên cứu, giúp cho việc quan sát cũng như xác định được tác động của các khu vực liên quan.

Hiện tại, dự án tập trung nghiên cứu giám sát và triển khai một số hoạt động cộng đồng. Với những hiểu biết nhất định về rừng cùng với uy tín trong cộng đồng, 2 ông tiếp tục hỗ trợ dự án trong việc nâng cao nhận thức của người dân ở vùng đệm với hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Có thể bạn quan tâm