(GLO)- Sau khi bị tuyên án, bị cáo Trần Văn Nhâm (SN 1974 tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)-nguyên cán bộ Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đã nộp đơn kháng cáo kêu oan đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và yêu cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm.
Các bị cáo Phước và Nhâm (bên phải) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Hoàng Cư |
Trước đó, Bản án sơ thẩm số 62 ngày 28-11-2019 của TAND tỉnh đã quyết định xử phạt: Nguyễn Thị Phước (SN 1965 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)-nguyên Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự và Truy nã tội phạm (Công an TP. Pleiku) 14 năm tù; Trần Văn Nhâm 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bản án nêu trên còn tuyên buộc bị cáo Phước phải trả cho bà Phan Thị Bích Ly (trú tại thị trấn Kbang) 560 triệu đồng, ông Tống Nguyên Sâm (trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) 500 triệu đồng, bà Mai Thị Thanh (trú tại TP. Hà Tĩnh) 350 triệu đồng, ông Nguyễn Hoàng Lộc (trú tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) 250 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai (trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) 150 triệu đồng, bà Phạm Thị Tân (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) 45 triệu đồng...; buộc bị cáo Nhâm phải có trách nhiệm trả cho bà Phạm Thị Tân 245 triệu đồng, ông Hoàng Thế Vệ (trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku) 200 triệu đồng, bà Phan Thị Bích Ly 160 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai 50 triệu đồng, bà Võ Thị Loan (trú tại xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) 25 triệu đồng...
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và những lời khai nhận tại phiên tòa sơ thẩm: Từ năm 2015 đến năm 2017, Nguyễn Thị Phước và Trần Văn Nhâm đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để đưa ra những thông tin sai sự thật, tự giới thiệu là cán bộ nhà nước, có mối quan hệ đồng hương, đồng nghiệp với lãnh đạo ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh Gia Lai, các sở, ban, ngành, các cơ quan trong và ngoài tỉnh nên “chạy” được việc làm, chuyển công tác, giảm tiền thuế đất... Với những thủ đoạn nêu trên, Phước và Nhâm đã lừa đảo, chiếm đoạt tổng cộng 2,76 tỷ đồng của nhiều người. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phước đã thừa nhận hành vi phạm pháp của mình, còn bị cáo Nhâm thì luôn kêu oan, quanh co không thừa nhận, cho rằng bản thân không nhận hồ sơ, không chiếm đoạt tài sản của các bị hại, không đến các cơ quan liên hệ thực hiện các vụ việc tiêu cực, chỉ vay mượn tiền của các cá nhân chứ không lừa đảo chiếm đoạt.
HOÀNG CƯ