Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện |
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11-5-2024 và Công văn số 3113/BYT-ATTP ngày 7-6-2024 của Bộ Y tế về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và tăng cường công tác phòng-chống ngộ độc thực phẩm. Báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.
Được biết, trước đó vào lúc 8 giờ sáng 16-9-2024, lớp 7.1, Trường THCS Tôn Đức Thắng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) tổ chức liên hoan nhân dịp Tết Trung thu với tổng số 45 học sinh tham gia. Trong đó, có 34/45 học sinh uống trà sữa do Hội phụ huynh lớp mua từ cơ sở trà sữa Cô Ba Sài Gòn (địa chỉ 14 Phùng Hưng, phường Hội Thương, TP. Pleiku).
Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, 21/34 học sinh xuất hiện triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm (đau bụng, buồn nôn). Trong đó, 1 học sinh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai; 1 học sinh đến khám tại Trạm Y tế phường Thống Nhất, đã uống Oresol và về nhà; 19 học sinh còn lại có biểu hiện nhẹ được phụ huynh đưa về nhà theo dõi.