Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa Hòa Bình, trong sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong.
Như đã đưa tin, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Theo kết luận điều tra, ông Trương Quý Dương được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình điều động và bổ nhiệm giữ chức giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình từ năm 2002. Đến năm 2010, ông Dương kí quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Hồi sức tích cực; là người đại diện BV đa khoa tỉnh Hòa Bình kí hợp đồng với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.
Với các tài liệu điều tra thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định có đủ căn cứ cho thấy ông Dương có nhiều sai phạm trong quá trình thực hành trách nhiệm.
Trong số sáu bị can bị đề nghị truy tố, ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) là người được xác định đã thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã vi phạm Quy chế quản lý bệnh viện quy định “giám đốc có trách nhiệm kiểm tra mọi hoạt động của bệnh viện”. Từ năm 2013, hệ thống lọc nước RO được sửa chữa, bảo dưỡng tổng cộng bốn lần; sau mỗi lần sửa chữa, đơn nguyên lọc máu đều chạy lọc thận cho bệnh nhân trước khi có biên bản nghiệm thu bàn giao và chưa được kiểm tra an toàn. Lần sửa chữa, bảo dưỡng cuối cùng là ngày 28-4-2017, đến sáng ngày 29-5 thì đơn nguyên lọc máu đã cho chạy lọc thận khi chưa xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI, chưa có biên bản bàn giao nghiệm thu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với trách nhiệm là người đứng đầu BV nhưng do không sâu sát trong lãnh đạo, kiểm tra, giám sát nên ông Dương đã không nắm được.
Quy chế bệnh viện cũng quy định giám đốc BV có nhiệm vụ “quản lý sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện”, tuy nhiên bị can Dương đã không sát sao trong kiểm tra, chỉ đạo phòng vật tư y tế xây dựng, ban hành “quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy”, mà cụ thể là quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO2. Điều này dẫn tới việc vận hành, sử dụng tùy tiện trong đơn nguyên lọc máu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ án này, BS Hoàng Công Lương bị đề nghị truy tố tội vô ý làm chết người. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Ngoài ra, ông Dương với tư cách là giám đốc BV đã kí ban hành quyết định đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Hồi sức tích cực khi không có quy định và chưa đủ điều kiện. Cụ thể, tại thời điểm thành lập đơn nguyên lọc máu (ngày 8-3-2010), BV đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa có phương án thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị định 43/2006.
Phải đến hơn 2 tháng sau, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình mới xây dựng phương án nêu trên gửi các Sở có liên quan và UBND tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Đến tháng 6-2012, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình có công văn khẳng định BV này chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.
Từ việc trên, đơn nguyên lọc máu hoạt động không theo quy định nào của pháp luật, không có cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động. Điển hình như việc đơn nguyên chưa bố trí đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động chạy lọc thận đảm bảo an toàn cho người bệnh; không có kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc giao cho ai thực hiện trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu.
“…không ai có trách nhiệm nhận bàn giao hệ thống RO theo quy định và kiểm tra chất lượng nước; để cho đơn nguyên lọc máu tự ý sử dụng hệ thống lọc nước RO2 không đảm bảo an toàn sau sửa chữa chạy thận cho bệnh nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” – kết luận điều tra nhận định.
Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng hành vi vi phạm của ông Trương Quý Dương đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên ngày 23-8-2018 đã ra quyết định khởi tố đối với bị can này về tội danh đã nêu.
Tuyến Phan (PLO)