Pháp luật

Vụ bắt tướng Ca: Rất nhiều công ty liên quan đến 7.500 tỉ đồng mua bán hóa đơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác minh có rất nhiều công ty, đơn vị có liên quan đến các hoạt động mua bán hóa đơn trái phép của ông “trùm” Trương Xuân Đước. Trong khi đó, đại diện Cục thuế Hải Phòng cho biết, hệ thống công ty của Đước tại Hải Phòng dừng hoạt động cách đây vài năm.
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Đỗ Hữu Ca đêm 18.2. Ảnh: Mai Chi

Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Đỗ Hữu Ca đêm 18.2. Ảnh: Mai Chi

Như Lao Động đã thông tin, trong quá trình điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty nhiệt điện Đông Triều - TKV, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện đường dây mua bán trái phép hóa đơn nhằm mục đích trốn thuế xảy ra tại Hải Phòng và Quảng Ninh nên đã mở rộng điều tra.

Trương Xuân Đước (52 tuổi, Giám đốc Công ty CP xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương, có địa chỉ tại khu 5, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long), trú tại tại phường Đằng Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng là đối tượng cầm đầu.

Ngoài ra còn có Trương Văn Nam (cháu của Đước) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (44 tuổi, vợ của Đước) giúp sức. Cả ba người sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trụ sở Công ty CP xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương đăng ký tại khu 5, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long) nhưng trong thực tế lại không có, mà là một cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trụ sở Công ty CP xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương đăng ký tại khu 5, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long) nhưng trong thực tế lại không có, mà là một cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định có rất nhiều công ty, đơn vị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… có liên quan đến các hoạt động mua bán hóa đơn trái phép của Trương Xuân Đước.

Theo nguồn tin, tổng số tiền giao dịch mua bán hóa đơn mà Đước cùng đồng phạm thực hiện đến nay là khoảng 7.500 tỉ đồng.

Để thực hiện hành vi phạm tội, ông “trùm” Đước đã lập và điều hành khoảng 18 công ty "ma" tại Hải Phòng và Quảng Ninh, hoạt động từ nhiều năm nay, nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty đều không tồn tại như trên địa chỉ đăng ký.

Trong đó, địa chỉ trụ sở Công ty CP xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương, tại số 16, khu 5, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long được đại diện tổ dân, khu phố ở đây xác định là không có. Theo đăng ký, công ty này thành lập vào cuối năm 2019.

Một lãnh đạo Cục thuế Hải Phòng cho hay, Đước lập các công ty và hoạt động từ năm 2005. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2-3 năm thì Đước dừng hoạt động tất cả các công ty ở Hải Phòng.

Cũng theo vị này, trong quá trình điều tra, cơ quan công an cũng đã đến lấy các thông tin, số liệu về việc nộp thuế của các công ty của Đước tại Hải Phòng.

Liên quan đến thiếu tướng Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng – cơ quan điều tra cho biết, khi biết bản thân khó thoát tội, Đước cùng người thân đã nhờ tướng Ca "chạy án". Nhóm của Đước có bốn lần mang tiền đến nhà ông Ca với tổng số tiền khoảng 35 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Ca không giúp nhưng vẫn giữ số tiền trên ở trong nhà nên người thân của Đước sau đó làm đơn tố cáo hành vi nhận 35 tỉ đồng của tướng Ca đến công an. Khi Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra thì ông Ca đã nộp lại tiền.

Với hành vi trên, thiếu tướng Ca đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Các quyết định, lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.

Có thể bạn quan tâm