Pháp luật

Vụ Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Phạt tù hai cựu Tổng Giám đốc VEC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trần Văn Tám - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam - bị phạt 5 năm 6 tháng tù; Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên, cựu Tổng Giám đốc bị phạt 42 tháng tù.
Bị cáo Trần Văn Tám - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), cựu Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Trần Văn Tám - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), cựu Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau hai tuần xét xử và nghị án, sáng 27/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi về các tội: "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng," "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Tòa đã tuyên phạt 4 cựu lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), gồm: Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc) bị phạt 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng" và 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp hình phạt chung là 5 năm 6 tháng tù.

Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên, cựu Tổng Giám đốc) bị phạt 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc) 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp với bản án 7 năm tù ở giai đoạn 1 trước đó, hình phạt chung là 11 năm tù.

Lê Quang Hào (cựu Phó Tổng Giám đốc) bị phạt 2 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp với bản án 6 năm tù của giai đoạn 1, hình phạt chung là 8 năm tù.

18 bị cáo còn lại bị tuyên phạt về cùng tội danh "Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: 3 bị cáo là cựu lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, gồm: Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc) 2 năm tù, tổng hợp với bản án 8 năm 6 tháng tù trước đó, hình phạt chung đối với Hưng là 10 năm 6 tháng tù; Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc) 30 tháng, tổng hợp với bản án trước đó 4 năm 6 tháng tù, hình phạt chung đối với Thành là 7 năm tù; Đỗ Ngọc Ân (cựu Phó Giám đốc) 15 tháng tù, tổng hợp với 4 năm tù trước đó, hình phạt chung là 5 năm 3 tháng tù.

Bốn bị cáo là đều cựu cán bộ của Ban Quản lý Dự án gồm: Hà Văn Bình 15 tháng tù, tổng hợp với án 5 năm tù trước đó, hình phạt chung là 6 năm 3 tháng tù; Nguyễn Trọng Tân và Nguyễn Khắc Sơn cùng bị phạt 15 tháng tù; Trần Quang Hòa 2 năm tù.

Bảy bị cáo là cựu lãnh đạo các nhà thầu thi công dự án, gồm: Nguyễn Văn Thuật (cựu Giám đốc Ban điều hành Liên danh của Nhà thầu thi công Gói thầu A1) 6 năm tù, Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của Nhà thầu thi công Gói thầu A1) 4 năm tù, Đỗ Quốc Vượng và Đỗ Viết Thiết (đều là cựu Giám đốc Chất lượng của Nhà thầu thi công Gói thầu A4) bị phạt lần lượt là 4 năm 6 tháng tù và 3 năm tù, Nguyễn Anh Sơn (cựu Giám đốc Chất lượng của Nhà thầu thi công Gói thầu A5) 6 năm tù, Nguyễn Hữu Sơn (cựu Giám đốc chất lượng của Nhà thầu thi công Gói thầu A2) và Nguyễn Phú Ân (cựu Giám đốc chất lượng của Nhà thầu thi công Gói thầu A3) cùng bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bốn bị cáo còn lại nguyên là các kỹ sư dự án, gồm: Đoàn Ngọc Hùng 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Tiến Công 4 năm 6 tháng, Nguyễn Thọ Minh 4 năm tù, Trần Mạnh Hùng 30 tháng tù.

Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km.

Giai đoạn 1 dài 65km từ thành phố Đà Nẵng tới thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017. Giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), thông xe tháng 9/2018.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông. Các vi phạm xảy ra ở cả hai giai đoạn, trong đó tại giai đoạn 1 đã đưa ra xét xử 36 bị cáo.

Ở giai đoạn 2, quá trình thi công Dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.

Quá trình tổ chức thi công, Mai Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc VEC từ năm 2015 đến ngày 1/6/2017, Trần Văn Tám làm Tổng Giám đốc VEC từ ngày 1/6/2017 đến khi kết thúc dự án.

Theo quy định, quá trình thực hiện dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát phải kiểm soát chất lượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị thi công đến việc quản lý thi công, sử dụng công trình đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị, công trình và các công trình lân cận.

Quản lý chất lượng công trình xây dựng là hoạt động của các chủ thể tham gia từ việc chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng công trình nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và an toàn của công trình.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý, giám sát chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý, hình thức giao thầu, hợp đồng xây dựng, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Mai Tuấn Anh và Trần Văn Tám với vai trò Tổng Giám đốc VEC trực tiếp ký các quyết định phân công nhiệm vụ trong Ban Tổng Giám đốc, giao các Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào phụ trách trực tiếp dự án, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở trong các giai đoạn; quản lý điều hành Ban Quản lý dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi để tổ chức thực hiện dự án.

Tuy nhiên, dự án thi công từ năm 2014 và ngày 9/9/2015, Mai Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 581/QĐ-VEC về Quy trình thực hiện các bước nghiệm thu, trong đó có trách nhiệm nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở, nhưng đến tháng 12/2016, Mai Tuấn Anh mới ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở, nên các hạng mục thi công hoàn thành trước đó, thuộc trách nhiệm nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã không được tiến hành để đánh giá chất lượng.

Đồng thời, các bên có trách nhiệm trong việc nghiệm thu không thực hiện đúng quy trình nghiệm thu, dẫn đến các hạng mục hoàn thành không kiểm soát được chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, gây hư hỏng khi vận hành khai thác đã được kết luận trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát hiện trường, kiểm tra chuyên môn, thực tế trong quá trình thực hiện dự án, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng Giám đốc VEC được giao quản lý, điều hành xây dựng dự án đã buông lỏng công tác chỉ đạo điều hành, quản lý thi công dự án, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng qua các khâu, các bước theo quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến các gói thầu xây lắp thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án được thi công, nghiệm thu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế; chất lượng công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo.

Đặc biệt, ngày 25/5/2016, sau khi kiểm tra thực tế dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 5780/BGTVT-CQLXD gửi Tổng Công ty VEC (chủ đầu tư dự án) yêu cầu VEC tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu nguồn các loại dùng cho dự án, đặc biệt là các mỏ đá tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, được Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra kém chất lượng (mỏ đá Đà Sơn, Hố Chuồn, Phước Tường, Hương Mao, Hưng Long, Chu Lai…), để kịp thời chỉ đạo các nhà thầu có biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn vật liệu cung cấp cho dự án; yêu cầu VEC chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương thực hiện.

Tuy nhiên, yêu cầu chỉ đạo này của Bộ Giao thông Vận tải đã không được Tổng Giám đốc Mai Tuấn Anh, sau đó là Trần Văn Tám nghiêm túc tổ chức thực hiện, dẫn đến các gói thầu của dự án vẫn sử dụng vật liệu đá tại các mỏ nêu trên để làm vật liệu nguồn sản xuất các loại cấp phối đá dăm, bê tông nhựa, được cơ quan giám định tư pháp chỉ ra không đảm bảo chất lượng, hạng mục công trình hoàn thành không đảm bảo, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.

Trong cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, các cán bộ là cấp dưới của Mai Tuấn Anh, Trần Văn Tám là các Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào và các cán bộ chủ chốt tại Ban Quản lý dự án đều đã bị khởi tố về tội: “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng."

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” thuộc giai đoạn 1 dự án, VEC đã thanh toán cho các Nhà thầu thi công đối với các lớp vật liệu không đảm bảo chất lượng là hơn 811 tỷ đồng (giai đoạn Mai Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc là gần 550 tỷ đồng, giai đoạn Trần Văn Tám làm Tổng Giám đốc là 262 tỷ đồng).

Giai đoạn 2 dự án, VEC đã thanh toán cho các Nhà thầu thi công đối với các lớp vật liệu không đảm bảo chất lượng là hơn 460 tỷ đồng (giai đoạn Mai Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc là hơn 148 tỷ đồng, giai đoạn Trần Văn Tám làm Tổng Giám đốc là trên 312 tỷ đồng).

Hội đồng xét xử xác định với vai trò là Tổng Giám đốc VEC, Mai Tuấn Anh và Trần Văn Tám đã buông lỏng công tác quản lý, không kiên quyết chỉ đạo để kịp thời khắc phục các tồn tại của dự án về vật liệu nguồn cũng như công tác thi công và nghiệm thu dự án; không có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công, đã để cấp dưới thi công sai, không đúng thiết kế dự án, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong cả 2 giai đoạn. Trong đó, Mai Tuấn Anh bị xác định gây hậu quả thiệt hại hơn 698 tỷ đồng, Trần Văn Tám bị xác định là 529 tỷ đồng, phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hội đồng Xét xử xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, tuy nhiên xét các bị cáo đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có ý thức khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, thực hiện hành vi phạm tội trong khi mong muốn sớm đưa dự án vào hoạt động… nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Có thể bạn quan tâm